Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

HỌC TẬP PHONG CÁCH DIỄN ĐẠT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Trong hệ thống các giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại qua cuộc đời hoạt động cách mạng, phong cách diễn đạt có vị trí hết sức đặc biệt. Phong cách diễn đạt của Người đã trở thành một giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo, là biểu hiện sống động của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh qua ngôn ngữ (nói, viết) và qua cử chỉ (hành động). Đối với cán bộ, đảng viên, học tập, rèn luyện và làm theo phong cách diễn đạt của Người có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Về ngôn ngữ nói và viết, Bác Hồ nhấn mạnh các giá trị độc đáo: tính đại chúng,gọn, rõ, nói đi đôi với làm. Bác luôn ưu tiên sử dụng ngôn ngữ đại chúng để mọi người đều có thể hiểu được. Từ đó, người phê bình những cán bộ, đảng viên có “bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ,bệnh sính dùng chữ nước ngoài”. Ngôn ngữ diễn đạt phải phù hợp với người nghe: Nói và viết cho ai; nói và viết để làm gì; nói và viết như thế nào. Người không phản đối việc nói dài, viết dài, nhưng Người khuyến khích cách diễn đạt súc tích, dễ hiểu. Bác hay phê bình cách diễn đạt quá dài, “lên gân, lên cốt” trích dẫn nghị quyết này, chỉ thị nọ mà thông tin ít, thậm chí “rỗng tuếch”. Ngôn ngữ hành động, hay cử chỉ cũng là một nét phong cách diễn đạt đặc biệt, rất riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Người quan niệm: Một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền; và vì thế, từng cử chỉ, hành động của Người đều thể hiện phong cách “nói đi đôi với làm”,không khoa trương, mệnh lệnh, chỉ đạo suông mà rất ân cần,gần gũi, “xắn tay áo làm” khi đề ra nhiệm vụ công tác; những việc cấp bách thì phải làm ngay, làm gấp và Người nêu gương thực hiện trước.Học tập và nghiên cứu về phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng nhận thức rõ nhiều giá trị thực tiễn đối với công tác, sinh hoạt của từng cán bộ, đảng viên và càng thấm nhuần tư tưởng “vì nhân dân phục vụ” cả trong nhận thức, lời nói và hành động. Khi tiếp xúc, làm việc, công tác với nhân dân, cán bộ, đảng viên phải có lời nói, việc làm chuẩn mực, dễ nghe, dễ hiểu, gần gũi với quần chúng nhân dân. Phải ưu tiên dùng ngôn ngữ thuần Việt và trong nhiều điều kiện, hoàn cảnh, cán bộ, đảng viên phải thông thạo tiếng địa phương, phong tục, tập quán của từng vùng, miền để có cách ứng xử, truyền đạt phù hợp. Khi tuyên truyền về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu kỹ đối tượng người nghe để có hình thức phù hợp, nên diễn đạt súc tích, hấp dẫn, dễ hiểu. Bác Hồ từng dùng ca dao, tục ngữ, các

thể loại thơ, vè… để tuyên truyền cho nhân dân về đường lối cách mạng; đó cũng là một hình thức độc đáo mỗi cán bộ đảng viên hôm nay cần học tập, noi theo. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên càng phải tích cực rèn luyện theo phong cách của Bác, nói và viết phải rõ ý, đầy đủ thông tin, đúng pháp luật. Cách thức diễn đạt phải rõ ràng, mạch lạc, thẳng thắn; không suồng sã, qua loa, đại khái, cũng không chấp nhận việc rập khuôn, máy móc,“quan trọng hóa vấn đề” dẫn đến người nghe hiểu nhầm, hiểu sai bản chất sự việc, gây hệ quả không tốt. Qua học tập phong cách diễn đạt của Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện tác phong gần dân, hiểu dân và nhất là biết “lắng nghe Dân”. Đối với mỗi công việc, nhiệm vụ đều phải tìm hiểu thật kỹ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân,xuất phát từ lợi ích chính đáng của người dân. Lắng nghe dân tức là tuyệt đối không sử dụng mệnh lệnh, áp đặt phi lý, phải ghi nhận, giải đáp đầy đủ, hợp lý các kiến nghị chính đáng của Nhân dân, làm cho dân hiểu, dân tin và huy động sức mạnh của toàn dân vào thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ một trong các biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị đó là: “Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Thực vậy, các đức tính quý báu của người cách mạng như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tận trung với nước,tận hiếu với dân… phải được cụ thể hóa thành hành động cách mạng, chứ không chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu mà không có quá trình rèn luyện, tu dưỡng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động rèn luyện phong cách “nói đi đôi với làm”, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên để tu dưỡng đạo đức, lối sống. Ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, phải nhận thức và hành động theo đúng chính sách, pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đồng thời phải không ngừng học tập, rèn luyện tác phong sinh hoạt, xây dựng bản lĩnh cách mạng kiên định, vững vàng. Nghiên cứu về phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng nhận thấy những giá trị thực tiễn to lớn, sinh động đối với mỗi cán bộ đảng viên trong tình hình hiện nay. Đó cũng là kho tàng tri thức, kinh nghiệm thực tiễn và tài sản vô giá để mỗi cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước tin tưởng, giao phó và được Nhân dân tin yêu, giúp đỡ./.


1 nhận xét: