Người dân gặp khó trước “ma trận” ứng dụng

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện nay, Việt Nam có khoảng 20 phần mềm khai báo y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có thể kể đến là: Bluezone; Ncovi; VHD; Sổ sức khỏe điện tử; tokhaiyte.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, VNEID…

Cụ thể, người dùng được khuyến nghị tải cài đặt trên máy điện thoại thông minh các ứng dụng: Ncovi để khai báo sức khỏe hàng ngày; Bluezone để giúp phát hiện tiếp xúc gần với người dương tính; Vietnam Health Declaration (VHD) để khai báo y tế với người nhập cảnh. Ngoài ra, người dân có thể khai thông tin sức khoẻ trên website tokhaiyte.com; đăng ký và quản lý tiêm chủng thì cần cài thêm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Khi ra ngoài đường, để thuận tiện qua các chốt kiểm soát, cần khai thông tin trên website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc tải ứng dụng VNEID…

Người dân sẽ khai báo y tế như thế nào trong trạng thái "bình thường mới" sau 1-10-2021?
Cần sớm có 1 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19/ Ảnh chụp màn hình. 

Việc nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố cùng triển khai ứng dụng khai nhiều App ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 nhưng chưa được đồng bộ hoá khiến cho người dân gặp khó khăn trong việc nhận diện và lúng túng khi sử dụng.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình sử dụng các app, chị Nguyễn Thị Khánh Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mỗi địa điểm sẽ yêu cầu sử dụng một ứng dụng khai báo khác nhau. Có nơi thì yêu cầu sử dụng ứng dụng Bluezone, có nơi lại yêu cầu khai báo trên VNEID. Do đó, mặc dù trên điện thoại có đến 5 app hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 nhưng mỗi lần sử dụng, tôi đều cảm thấy bối rối".

Trong khi đó, anh Nguyễn Đức Thịnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại phản hồi rằng, việc có quá nhiều ứng dụng khiến cho anh cảm thấy lúng túng không biết nên giữ hay xoá ứng dụng nào.

Để giải quyết những bất cập này, sáng 11-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một ứng dụng cho nhân dân, trong đó quy định rõ "người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)".

Tại văn bản về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch Covid-19 ngày 24-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu TT&TT khẩn trương thực hiện chỉ đạo tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 13-9 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, khi triển khai ứng dụng mới, tất cả người dân đã khai báo thông tin trên các ứng dụng do các Bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buộc người dân phải khai báo lại từ đầu. Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.

Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.

Sớm cho ra đời một ứng dụng dùng chung

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Y tế và Bộ Công an đã có buổi làm việc để gấp rút triển khai. Theo đó, ứng dụng dùng chung phải được tính toán, thiết kế để hội tụ đầy đủ các nghiệp vụ cần thiết, phục vụ công tác phòng, chống dịch như: Truy vết, khoanh vùng, theo dõi lịch trình di chuyển của công dân, quản lý cách ly, quản lý tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý trợ giúp người dân, an sinh xã hội.

Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT cho biết, Cục Tin học hoá là đơn vị đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông đứng ra hợp nhất các đơn vị tạo thành một nền tảng kết nối, liên thông các dữ liệu. Các dữ liệu này không chỉ để quản lý mà còn để phân tích, xử lý và dự báo tình hình dịch bệnh trên toàn quốc.

Cũng theo ông Đỗ Công Anh, khi triển khai nền tảng rộng cho người dân thì cần phải có niềm tin, nhận thức đúng về vai trò của công nghệ. Các nền tảng, công cụ công nghệ chống dịch đưa ra trong khoảng thời gian ngắn nên chưa đạt được đến sự hoàn thiện nhất định, do đó, chưa có sự tin tưởng hoàn toàn, một số nơi còn dè dặt áp dụng. Đây là rào cản mà Cục Tin học hoá cố gắng vượt qua và đã đạt thành công nhất định tại một số địa phương. Hiện Cục đang tiếp tục nỗ lực triển khai nền tảng bắt buộc dùng chung cho toàn quốc. Chỉ có dùng chung thì mới triển khai nhanh, triển khai rộng và giữ được dữ liệu.

Người dân sẽ khai báo y tế như thế nào trong trạng thái "bình thường mới" sau 1-10-2021?
Người dân sử dụng mã QR để quét mỗi khi ra vào các cơ sở kinh doanh tại Hà Nội.

Trước mắt, Bộ TT&TT chỉ đạo kết nối, liên thông ngay các cơ sở dữ liệu phát sinh từ các ứng dụng do Bộ TT&TT, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng và kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý để phục vụ phòng, chống dịch. Đồng thời, chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống Covid-PcCOVID).

Bên cạnh đó, ngày 11-9, Bộ TT&TT cũng đã ra quyết định ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, mỗi cá nhân sẽ có một QR duy nhất, dùng chung trên các nền tảng, chứa các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch như sổ sức khỏe điện tử, Bluezone, sức khỏe Việt Nam... Tuy nhiên sẽ phải mất khoảng 1 tuần cho các ứng dụng kết nối, đồng bộ dữ liệu.

Song song với đó, thời gian qua, Bộ TT&TT đã liên tục cập nhật, hoàn thiện nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 và đến nay cơ bản đáp ứng các yêu cầu của công tác tiêm chủng.

Để dữ liệu tiêm chủng được chính xác, Bộ TT&TT đã xây dựng bổ sung chức năng phản ảnh thông tin trên Cổng công khai thông tin tiêm chủng, cho phép người dân gửi phản ảnh về tình trạng thiếu, sai thông tin liên quan đến kết quả tiêm chủng.

Tuy nhiên, để đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời phục vụ ký chứng thư số theo yêu cầu, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Y tế đôn đốc các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc sử dụng nền tảng khi thực hiện tiêm chủng, tránh tình trạng nhập hồi cứu.

Đồng thời, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc tiếp nhận, xử lý các phản ảnh của người dân về kết quả tiêm chủng; chính thức sử dụng số liệu của nền tảng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.