Khắc ghi lời Bác "Làm nghề gì cũng phải học"
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo đến thế hệ học sinh, sinh viên (HS, SV). Người thường xuyên thăm hỏi, động viên, khuyến khích HS, SV miệt mài học tập và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng để trở thành những người có đức, có tài, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác coi HS, SV là nhân tố hàng đầu, quyết định vận mệnh của đất nước sau này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học viên Trường Nghệ thuật sân khấu Trung ương, năm 1961. Ảnh tư liệu |
Việc chăm lo đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng thanh niên, trong đó có lớp thanh niên trí thức-những sinh viên đang được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng, được Bác quan tâm đặc biệt. Theo Người, ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên, việc giáo dục-đào tạo không phải là “cầm tay chỉ việc”, uốn nắn từng chút một, mà quan trọng là phải truyền được cho các em tinh thần tự học, tự khám phá, chủ động, sáng tạo, giúp các em định hướng được mục đích của việc tự học tập, tự xác định con đường phấn đấu cho tương lai. Chỉ như vậy, các em mới có thể kiên trì trên con đường học tập theo phương châm “Học, học nữa, học mãi”.
Tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ hai, năm 1958, Bác nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai?". Ngày 19-1-1959, tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác chỉ rõ: "Nói chung thanh niên phải chuẩn bị làm người chủ nước nhà. Muốn thế phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa..." và học "để phục vụ nhân dân, xây dựng Tổ quốc”. Bác nhắc nhở HS, SV Việt Nam rằng: “Làm nghề gì cũng phải học” và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân càng no ấm, vui tươi”. Điều đó có nghĩa rằng, ngay cả đối với một bộ phận thanh niên không theo học đại học, cao đẳng, thì việc học cũng luôn là việc hết sức quan trọng. Học từ các lớp dạy nghề, học từ kinh nghiệm cuộc sống, từ người đi trước, tự học… để nâng cao lối sống tích cực, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, ứng dụng được kiến thức vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế, làm giàu cho bản thân và xã hội. Bác cũng lưu ý HS, SV rằng, để việc học tập thành công và trở nên hữu ích thì học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải đi cùng thực tiễn. Theo Người, “chỉ biết lý thuyết mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa", "học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành”...
Vâng lời Bác dạy, thế hệ HS, SV Việt Nam ngày nay nhận thức sâu sắc rằng, nhiệm vụ của thanh niên trí thức thời đại mới không chỉ là ra sức học tập để làm chủ tri thức, công nghệ mới, mà còn phải xác lập được cho mình lý tưởng đúng đắn. Những di huấn của Bác mãi là tình cảm, là tư tưởng, là định hướng và là kim chỉ nam cho các thế hệ sinh viên Việt Nam luôn cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Việc gì cũng phải học tập
Trả lờiXóa