Đại hội XIII của Đảng thể hiện tư duy mới cũng như nội hàm mới về
xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.
Một là, đó là hướng tiếp cận mới của
Đại hội XIII về xây dựng nền kinh tế Việt Nam. Trong Văn kiện Đại hội XIII,
việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ chính thức được nhấn mạnh
như một nhiệm vụ kinh tế để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam
trong bối cảnh mới.
Thực tế, trong quá trình lãnh đạo của Đảng ta, một mặt, độc lập
dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của tiến trình
cách mạng. Trong đó, vấn đề khát vọng độc lập dân tộc và phát triển luôn là
nguồn mạch trong tư duy cũng như trong chỉ đạo thực tiễn của Đảng. Trong thời
kỳ đổi mới, khía cạnh phát triển càng trở nên nổi bật trong suốt hệ thống đường
lối, chủ trương của Đảng ta. Mặc dù vậy, để nhất quán về mặt tư duy và cách
tiếp cận, coi việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ như một nội
hàm chính thức của quá trình hiện thực hóa khát vọng phát triển, để Việt Nam
trở thành quốc gia giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc thì đến Đại hội XIII mới
được diễn đạt cụ thể và rõ hơn cả.
Mặt khác, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một nội
dung trong ba nội dung cốt lõi của hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bao gồm: 1) Thống nhất và
nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa; 2) Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn và xây dựng nền kinh tế độc
lập, tự chủ; 3) Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế). Điều này vừa thể
hiện cách tiếp cận mới phù hợp với quy luật khách quan của nền kinh tế thị
trường, vừa thể hiện tư duy mới trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự
chủ đòi hỏi thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
hiện đại, hội nhập quốc tế; không tách rời việc hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phù hợp với tầm nhìn về bảo vệ lợi
ích quốc gia - dân tộc là cao nhất, song lại không trái với các nguyên tắc phát
triển phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đang ký
kết. Đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ không phải là nền kinh tế
khép kín, mà là nền kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập. Đây là sự nhất quán
trong cách tiếp cận của Đại hội XIII, là điểm mới so với các văn kiện tại các
kỳ đại hội trước của Đảng ta.
Hai là, những điểm mới về nội dung
xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ được bao quát, thống nhất từ việc độc lập,
tự chủ về đường lối tới các biện pháp thực hiện để bảo đảm nền kinh tế độc lập,
tự chủ. Đại hội XIII chỉ rõ: “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ
trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh
nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các
cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực
kinh tế quốc gia”(1).
Trong Văn kiện Đại hội XIII, biện pháp xây dựng nền kinh tế độc
lập, tự chủ gắn bó mật thiết với giữ vững các cân đối lớn đi đôi với bảo đảm an
ninh kinh tế. Đây là điểm mới trong nội dung về xây dựng nền kinh tế Việt Nam
độc lập, tự chủ. Trong các kỳ đại hội trước của Đảng, vấn đề bảo đảm an ninh
kinh tế, giữ vững các cân đối lớn được lồng ghép vào nội hàm của chủ đề quốc
phòng - an ninh và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong Văn kiện Đại hội XIII,
các cân đối lớn trở thành một trong những biện pháp để bảo đảm tính độc lập, tự
chủ của nền kinh tế. Điều này là phù hợp với chuẩn mực của một nền kinh tế thị
trường hiện đại. Các cân đối lớn phản ánh trình độ, tiềm lực của nền kinh tế.
Điều đó có nghĩa rằng, khi các cân đối lớn không được bảo đảm, nguy cơ lệ thuộc
hoặc bị tác động bởi nhân tố từ bên ngoài có thể sẽ xảy ra. Cho nên, việc coi
các cân đối lớn là một nội hàm của biện pháp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự
chủ thể hiện sự phát triển về nhận thức lý luận của Đảng ta trong Văn kiện Đại
hội XIII so với các kỳ đại hội trước.
Cùng với đó, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ được đặt
trong sự gắn bó mật thiết với nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đây
là mối quan hệ biện chứng, có ý nghĩa bổ sung tạo tiền đề thúc đẩy lẫn nhau.
Nền kinh tế nội lực mạnh sẽ thúc đẩy nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc
tế. Hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế được nâng cao sẽ tạo tiền đề để xây dựng
nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thực tiễn phát triển của các quốc gia thành công
trong khu vực và thế giới chứng tỏ sự đúng đắn của mối quan hệ đó. Đây là điểm
mới thể hiện sự chín muồi trong nhận thức lý luận của Đảng ta về kết hợp sức
mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực với tranh thủ ngoại
lực để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới. Đó là nền kinh
tế được đặt trong mối quan hệ rộng mở, đa dạng với các chủ thể, các nền kinh tế
thế giới, tích cực, chủ động hội nhập, không phải là nền kinh tế khép kín hay
tự cô lập.
Về biện pháp bảo đảm hiện thực hóa mối quan hệ gắn bó giữa xây
dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ với nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc
tế, Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế
quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng
chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động bên
ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh
nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”(2).
Như vậy, những biện pháp trên cũng thể hiện cách tiếp cận mới
trong việc bảo đảm hiệu quả quá trình thực hiện các cam kết với các tổ chức
kinh tế quốc tế, các hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết và
là thành viên. Việc xây dựng hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh
nghiệp trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế được chính thức nêu trong Văn
kiện Đại hội XIII thể hiện tư duy đầy đủ, toàn diện hơn trong việc tích cực,
chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng so với các văn kiện trước đây. Mở
rộng hội nhập, tăng cường chiều sâu của hội nhập, đồng thời đòi hỏi có các biện
pháp phòng vệ, bảo vệ doanh nghiệp và thị trường là hai mặt của cùng một vấn
đề. Với một nền kinh tế ở trình độ phát triển còn thấp như của Việt Nam, việc
mở cửa, hội nhập mà không đi đôi với xây dựng các biện pháp phòng vệ chính
đáng, thích hợp (điều này là phù hợp với các thể chế kinh tế quốc tế) là chưa
đầy đủ, toàn diện. Thực tiễn cho thấy, không có quốc gia nào thực hiện hội nhập
một cách chủ động mà thiếu cân nhắc hợp lý về một hệ thống phòng vệ thỏa đáng
để bảo vệ sản xuất trong nước. Vì vậy, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế đi đôi
với xây dựng hệ thống phòng vệ để bảo vệ chính đáng cộng đồng doanh nghiệp, thị
trường trong nước là cách tiếp cận đúng và mới trong Văn kiện Đại hội XIII phù
hợp với xu thế chung của thế giới. Chúng ta không chủ trương thực hiện chủ
nghĩa bảo hộ đơn phương, hẹp hòi, song chúng ta cần một hệ thống phòng vệ thích
đáng, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thể chế quốc tế cho phép.
Bên cạnh đó, các hình thức hội nhập quốc tế cùng với xây dựng đội
ngũ cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế và giải quyết các tranh chấp quốc
tế cũng được coi là biện pháp để thực hiện xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc
lập, tự chủ. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hoạt động trong môi trường quốc
tế và tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích của Việt
Nam ngày càng được đặt ra cấp thiết. Đại hội XIII nhấn mạnh: “Thực hiện nhiều
hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều
kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật
phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương
mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước hết
là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh
chấp quốc tế”(3). Điểm mới ở đây là cách tiếp cận từ thụ động, thăm dò chuyển
sang chủ động, tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế, với lộ trình phù hợp,
cùng đội ngũ nhân lực có trình độ và đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh các
tranh chấp thương mại diễn ra ngày càng phổ biến.
Như vậy, cách tiếp cận mới về xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc
lập, tự chủ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện rõ nhất ở tinh thần
chủ động, phát triển toàn diện, coi trọng bảo vệ lợi ích quốc gia trên hết, phù
hợp với trình độ phát triển của đất nước cũng như các chuẩn mực quốc tế trong
bối cảnh mới. Tuy nhiên, để chủ trương đúng đắn trên được hiện thực hóa một
cách hiệu quả trong phát triển nền kinh tế nước ta, nhiều vấn đề thể chế cần
được tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ.
Bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa