Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Thích ứng an toàn với Covid-19

 

          Nhiều nước trên thế giới đang tìm giải pháp cân bằng giữa việc đối phó đại dịch và khôi phục đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đã hoành hành gần hai năm nay. Thích ứng an toàn với Covid-19 và thiết lập trạng thái 'bình thường mới' là một hướng đi mà nhiều nước ưu tiên chọn lựa vào thời điểm này.

          Kinh tế thế giới bị bao phủ gam mầu xám trong hơn một năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại… nhằm đối phó đại dịch đã khiến nhiều nền kinh tế điêu đứng. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng vắc-xin, qua đó tìm cách thích ứng an toàn với Covid-19 để mở cửa trở lại nền kinh tế.

          Nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 được triển khai từ cuối năm 2020, các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc mở cửa trở lại, giúp kinh tế toàn cầu khởi sắc từ quý II/2021. Theo hãng tư vấn IHS Markit, nền kinh tế thế giới được đánh giá là đã vượt qua giai đoạn suy thoái và dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 4,5% trong năm 2022. Ðà phục hồi của kinh tế thế giới và các nền kinh tế lớn là điều kiện thuận lợi để các nước khác mở cửa trở lại.

          Nhiều nước Ðông Nam Á cũng đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt hơn. Thay vì áp đặt phong tỏa toàn quốc hoặc diện rộng, Philippines đang thực hiện biện pháp khoanh vùng hẹp, cách ly các khu phố, gia đình có người nhiễm. Singapore thay đổi tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh, chú trọng quan tâm đến số ca có triệu chứng nặng và cần chăm sóc đặc biệt, thay vì cập nhật số ca nhiễm như trước đây. Với cách làm này, các doanh nghiệp ở Singapore không phải lo bị phong tỏa, ngay cả khi có trường hợp dương tính với Covid-19. Indonesia siết chặt các quy định như đeo khẩu trang, sát khuẩn thay vì áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.

          Tuy nhiên, chính phủ các nước nhấn mạnh vai trò quan trọng của vaccine đối với việc bảo đảm an toàn cho sản xuất, kinh doanh. Việc bao phủ vaccine trong các văn phòng, nhà máy, xí nghiệp sẽ làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, qua đó giúp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn. Từ tháng 6/2021, Nhật Bản đã tiến hành tiêm chủng đại trà cho người lao động ngay tại nơi làm việc và nhận được sự hưởng ứng tích cực của hơn 2.300 doanh nghiệp.

          Giới chuyên gia y tế nhấn mạnh, dù nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch nhưng các nước vẫn cần chú trọng bảo đảm giãn cách, đeo khẩu trang, thực hiện mô hình làm việc xen kẽ trực tiếp và từ xa. Bởi vì, với sự lây lan nhanh của biến thể Delta, chỉ có tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mới bảo đảm an toàn cho việc mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế.

 

1 nhận xét: