Xe cấp cứu tới trước hẻm nhà
bệnh nhân F0 thì mới phát hiện con hẻm đã bị rào kín, tìm lối khác không có,
Trung úy Nhã và các đồng nghiệp phải gỡ rào chắn, lấy lối đưa bệnh nhân đi cấp
cứu.
Nhận lệnh tăng cường cho TP.HCM chống dịch, Trung úy Phan Đình
Nhã (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, đóng quân ở huyện đảo Phú Quốc), vội
chuẩn bị quân tư trang rồi cùng các đồng đội lái xe từ Phú Quốc tiến về TP.HCM.
Trong lần tăng cường này, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, hỗ trợ cho TP.HCM 2
xe cấp cứu, 2 chiến sĩ lái xe và 2 bác sĩ quân y. Trung úy Nhã được phân công
về Trung tâm cấp cứu 115 của thành phố để tham gia đón các bệnh nhân F0 đi cấp
cứu, điều trị ở tuyến trên. Bỡ ngỡ ban đầu khi lái xe chạy trên những con đường
xa lạ, những con hẻm ngoằn ngoèo nhanh chóng tan biến, anh nhanh chóng bắt nhịp
với công việc chủ yếu là vận chuyển, đưa các F0 đều ở tình trạng diễn tiến nặng
đi điều trị. Dù mới chỉ làm việc ở thành phố một thời gian ngắn nhưng anh và
các đồng đội luôn nhận được sự yêu thương, tin tưởng của nhân dân. Anh cho
biết, mỗi khi tới đón bệnh nhân, bản thân họ và gia đình rất yên tâm khi nhìn
thấy lực lượng bộ đội, cảnh sát. Tham gia vận chuyển hàng chục ca, mỗi bệnh
nhân có một hoàn cảnh khác nhau nhưng anh Nhã thấy nặng lòng nhất là một bệnh
nhân năm nay ngoài 50 tuổi, do cả gia đình đều là F0, đã đi điều trị hết, chỉ
còn một mình ở trong nhà. Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân gần như vô thức
thì may mắn được chính quyền phát hiện nên gọi điện báo để các anh kịp thời tới
sơ cứu, đưa đi bệnh viện điều trị.
Hay một bệnh nhân do từng bị đột quỵ dẫn đến liệt nửa người. Khi
các anh nhận lệnh tới đưa bệnh nhân đi cấp cứu mới biết nhà người này nằm trong
hẻm sâu, bệnh nhân lại nằm trên lầu cao, cầu thang nhỏ hẹp khiến các anh rất
vất vả mới có thể đưa xuống, cáng ra xe.
Thành phố trong những ngày dịch bệnh, đâu đâu cũng thấy hàng rào
hạn chế người qua lại để bảo vệ vùng xanh hoặc phòng tỏa những khu vực nguy cơ
cao, có F0 đang điều trị tại nhà nên việc xe cấp cứu tới đón bệnh nhân phải
quay đầu tìm đường vào nhà là thường tình. Có trường hợp, lối vào nhà bệnh nhân
bị rào kín, xe cấp cứu chạy loanh quanh tìm đường khác nhưng không có, ê kíp
cấp cứu buộc phải quay lại, gỡ rào chắn, mở đường vận chuyển bệnh nhân ra xe. “Tôi
sẽ ở đây để giúp nhân tới khi nào hết dịch”, Trung úy Nhã khẳng định, dù anh
biết cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn chưa biết tới khi nào mới
kết thúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét