"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập"
 

Đây là lời khẳng định và cũng chính là lời kết trong bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc vào chiều 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).

Lời khẳng định thể hiện sâu sắc ý chí mạnh mẽ và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta, quyết tâm bảo vệ nền độc lập mới giành được, thể hiện lập trường kiên định về độc lập, tự do của dân tộc, phản ánh niềm tin vững chắc vào sức mạnh của dân tộc Việt Nam, dù phải hy sinh gian khổ, song quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập.

Lời của Người vang vọng núi sông, có sức cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập có giá trị sâu sắc, tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiện nay và trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ dễ gây mất ổn định đối với khu vực và đất nước. Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để chống phá cách mạng nước ta trên các mặt: Kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: Khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, các thảm họa thiên tai, môi trường… có chiều hướng gia tăng. Để thực hiện trọn vẹn lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ năm xưa, LLVT nhân dân phải được quan tâm xây dựng vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng SSCĐ ngày càng cao; chú trọng đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện theo phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc", coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn hoạt động và trong từng lực lượng, đơn vị; phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị, sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu tác chiến trong điều kiện địch có sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Toàn quân tiếp tục quán triệt và thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI: xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại; làm nòng cốt cho toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là quân đội cách mạng, lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập"
 

Cũng trong ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bức thư gửi anh em Hoa kiều, bày tỏ tư tưởng hòa bình, hữu nghị và hợp tác thân thiện giữa hai dân tộc Việt – Trung. Trong thư, Người nhấn mạnh: Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam là Chính phủ đại diện cho lợi ích của nhân dân, rất quan tâm đến mấy mươi vạn anh em Hoa kiều sinh sống trên đất nước ta. Vì trước đây anh em Hoa kiều cùng nhân dân Việt Nam chung sống hòa bình, kết thân với nhau, đi lại buôn bán, thân thiết như chân với tay. Trong thời kỳ Pháp, Nhật thống trị, lại cùng chịu chung nỗi khổ đau bị áp bức bóc lột. Cho nên, ngay khi thành lập, Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam đã lập tức tuyên bố xóa bỏ mọi luật pháp hà khắc của Pháp trước đây áp đặt lên Hoa kiều, xác định chính sách cơ bản là bảo đảm tự do, an toàn tính mạng và tài sản của Hoa kiều, hoan nghênh Hoa kiều cùng nhân dân Việt Nam chung sức xây dựng nước Việt Nam mới (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011).

Quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật thấu tình đạt lý, xuất phát từ tư tưởng đại đoàn kết toàn dân và tầm nhìn về lợi ích căn bản, lâu dài cho cả hai dân tộc. Thực hiện lời dạy của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đã đoàn kết thống nhất,  kề vai sát cánh trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc tuy có giai đoạn thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chảy chính, ngày càng phát triển, mở rộng và trở thành đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của nhau, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Theo dấu chân Người

Ngày 2-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, tại phiên tòa xét xử lần thứ 7, cảnh sát Hồng Kông thừa nhận việc bắt Tống Văn Sơ là bất hợp pháp nhưng việc trục xuất vẫn là hợp pháp. Các luật sư tiếp tục kháng cáo để chống lại âm mưu đẩy Nguyễn Ái Quốc vào tay chính quyền thực dân Pháp.

Ngày 2-9-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên cùng đông đảo kiều bào Việt Nam, một số bạn Pháp và Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau.

Ngày 2-9-1947, Bác ra lời kêu gọi nhân kỷ niệm ngày Cách mạng và Quốc khánh lần đầu tiên tổ chức trong hoàn cảnh kháng chiến. Bác kêu gọi: “Tướng sĩ trước mặt trận, đồng bào ở hậu phương, ai nấy đều phải đoàn kết chặt chẽ, cố gắng làm đúng bốn chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, thì cuộc trường kỳ kháng chiến của ta nhất định vững vàng”.

Cũng trong ngày 2-9-1947, trên báo “Sự Thật”, Bác viết bài “Cán bộ và Đời sống mới” đưa ra nguyên lý: “Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời”.

Ngày 2-9-1949, trả lời phỏng vấn của một tờ báo của Thái Lan, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Bao giờ Việt Nam cũng cần thân thiện với nước Thái, và nước Thái thân thiện với Việt Nam, vì chúng ta là bà con láng giềng”.

Ngày 2-9-1950, trong bài viết “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu” đăng trên báo “Sự Thật”, Bác chỉ ra “thang thuốc chữa bệnh quan liêu là: Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết. Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình. Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”.

Ngày 2-9-1969, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng và Nhà nước hết lòng chăm sóc, tập thể các thầy thuốc tận tình cứu chữa, nhưng vào lúc 9 giờ 47 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập"
Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) khi bị chính quyền thực dân Anh bắt ở Hồng Kông năm 1931.
 
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập"
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp, năm 1946. (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao).

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập"
Tại tòa thị chính ở Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam nhất định không bao giờ chịu làm nô lệ một lần nữa (9-1946).

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập"
 Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946.

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập"
Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9-1945).
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập"
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.

 

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 2-9-1951, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng “Thư của Hồ Chủ tịch gửi lớp Cung cấp”. Trong thư Bác căn dặn: Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận điều đó rất rõ ràng dễ hiểu. Nhưng để làm cho đúng, thì phải có 1 chính sách rõ rệt, một tư tưởng thấu suốt….

Điều kiện cần thiết là cán bộ cung cấp phải biết rõ ràng số người mình phụ trách cung cấp:

Phải có kế hoạch đẩy đủ, sổ sách rành mạch.

Phải thấy trước, lo trước.

Phải có sáng kiến và phải tháo vát.

Phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính.

Phải khéo áp dụng những điều đã học và những kinh nghiệm đã có và sẽ có.

Ngày 2-9-1954, Báo Quân đội nhân dân đã đăng toàn văn “Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân kỷ nhiệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2-9”. Lời kêu gọi của Người có đoạn viết: Chúng ta đã thắng lợi, nhưng hòa bình chưa thật củng cố, thống nhất, độc lập và dân chủ chưa hoàn thành, cho nên chúng ta cần phải phấn đấu lâu dài và gian khổ để đạt mục đích ấy. Đồng thời chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng những âm mưu phá hoại sự nghiệp chung của chúng ta. Công việc tuy nhiều và khó khăn, nhưng lực lượng của chúng ta mạnh, vì chúng ta đoàn kết nhất trí, vì chúng ta có quyết tâm, vì nhân dân tiến bộ thế giới ủng hộ chúng ta, cho nên chúng ta nhất định thắng lợi.

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập"
 Hai số báo ghi dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân.