Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

TƯỚC SÚNG ĐỒN BẦN - TRẬN ĐÁNH THỔI BÙNG TINH THẦN TỔNG KHỞI NGHĨA

 

Bần Yên Nhân nằm ngay cạnh đường 5 gồm thôn Cộng Hoà và một phố nhỏ. Khu vực này nằm cách Hà Nội 25km, cách thành phố Hải Dương 30km. Chính quyền thực dân - phong kiến đã thiết lập tại Bần Yên Nhân một nhà Đoan (làm nhiệm vụ thu thuế), một “nhà dây thép” (tức Bưu điện), một “nhà thương tế bần” (tức bệnh viện Bần) và một đồn binh mang số hiệu 16 trong hệ thống phòng thủ Bắc Kỳ được gọi là Đồn Đại Lý (Poste délégué) nhưng binh lính thời đó gọi theo tiếng tây bồi là “đồn bót-xe”.

Trước khi quân Nhật chiếm đóng Đông Dương (1940) thực dân Pháp bố trí lực lượng tại đồn Bần gần 1 đại đội lính “khố đỏ”, gọi là “lính cơ”, có nhiệm vụcơ động đàn áp phong trào cách mạng trong vùng. Đồn được xây dựng gồm 1 lô cốt chính 3 tầng, kết cấu bằng bê-tông đúc, tường dày tới 0,6 m, vừa là nơi chỉ huy của đồn, vừa là nơi đồn trú của binh lính, vừa là trung tâm đề kháng có lỗ châu mai bắn ra bốn phía; ở hai góc đồn có hai chòi canh. Đồn cấu trúc theo hình chữ nhật có diện tích khoảng 20.000m2 với một chiều 200m và một chiều 100m. Đồn nằm về phía Bắc đường 5, cổng đồn cách mặt đường hơn 10m. Ngoài lô cốt chính, trong đồn còn có khu nhà ở của tên Tây chỉ huy đồn, nhà kho, nhà bếp, nhà lính và một “sà lim” để giam giữ người bị bắt.

Khi Nhật chiếm Đông Dương, tại đồn Bần, Bảo an binh được rút xuống còn một trung đội, do viên Chánh quản người Pháp tên là Bu-lăng-giê chỉ huy và một số hạ sĩ quan người Việt như Quản Nhượng, Đội Tựa, Cai Hòe, Cai Hách, Cai Dinh trực tiếp cai quản binh lính. Đồn Bần được trang bị 3 khẩu trung liên FM15, 26 súng trường, 2 súng săn và 1 súng lục. Viên phó chánh quản (tức Át-zuy-đăng xếp tương đương Trung đội phó) có vợ và con ở ngay trong đồn.

Về phía ta, cuối năm 1943, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo Hưng Yên thành lập An toàn khu (ATK) Bãi Sậy để đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tại địa phương.ATK Bãi Sậy gồm các thôn, xã thuộc phía Bắc huyện Yên Mỹ, Tây Mỹ Hào và Tây Nam Văn Lâm mà khu vực Bần là trung tâm. ATK có chi bộ Đảng riêng do đồng chí Huỳnh tức Lê Trần Trừ, Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh trực tiếp làm Bí thư chi bộ. Lãnh đạo ATK đã gây dựng cơ sở cách mạng ở Bần, nhà thương tế Bần để tiến hành công tác binh vận, trong đó có bà Hội Khế, quê ở Bần Yên Phú, là hộ sinh của “nhà thương tế Bần”. Qua bà Khế, cán bộ của ATK đã liên lạc, gặp gỡ, tuyên truyền, giác ngộ được hai binh lính trong đồn thường xuyên cung cấp tin tức về âm mưu, thủ đoạn và thời điểm hoạt động của địch để ta dễ dàng đối phó. Trong hai binh lính này có anh Vũ Văn Việt (tên thật là Vũ Văn Hoành, người làng Dị Chế, Tiên Lữ) đã sẵn sàng làm nội ứng cho ta đánh đồn khi cần thiết. (Sau này, năm 1949, đồng chí Việt là Tỉnh đội phó Tỉnh đội Hưng Yên). Cơ sở của ta cũng khéo thu xếp đưa được thầy giáo Hoàng Thế Dũng, cán bộ của ATK vào đồn dạy học cho con viên quan người Pháp.

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, lập chính quyền tay sai các cấp của Nhật, cải tổ quân đội do Pháp thành lập và chỉ huy trước đây thành Bảo an binh do các võ quan Nhật trực tiếp chỉ huy và đưa các đảng viên Đại Việt vào làm nòng cốt... khiến các lực lượng Pháp nhanh chóng đầu hàng, có bộ phận hoặc là bỏ trốn hoặc tháo chạy ra vùng biên giới hẻo lánh chờ thời. Tên Bu-lăng-giê đã lệnh cho thu súng cất vào kho chờ quân Nhật về giải giáp với tâm trạng hết sức hoang mang, lo lắng...

Nắm bắt thời cơ, Ban Lãnh đạo ATK hạ quyết tâm “tước ngay súng đồn Bần trước khi quân Nhật kịp đến giải giáp”. Đêm 12/3/1945, lực lượng ta là tự vệ của các làng trong ATK thuộc Yên Mỹ do đồng chí Học, tức Trần Sâm (sau này là Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên) trực tiếp tuyển chọn và phụ trách. Lực lượng từ Mỹ Hào sang do đồng chí Ngạnh (tức Nguyễn Ngọc Vân - sau này là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên và Hải Hưng) phụ trách. Lực lượng từ Văn Lâm xuống do đồng chí Huỳnh (tức Lê Trần Trừ, Bí thư chi bộ ATK) phụ trách. Chỉ huy chung là đồng chí Lê Liêm được sự giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Bình (sau này là Tư lệnh Đệ tứ Chiến khu). Các lực lượng tham gia trận đánh tập kết tại cánh đồng Quán Chuột, phía bên kia khu có gò đất cao, cây cối um tùm được địa phương gọi là Mả Thảo, cách đồn Bần khoảng 1km lúc 19 giờ.

Đồng chí Nguyễn Bình đóng vai sĩ quan Nhật được trang bị giống sĩ quan Nhật (mặc binh phục Nhật, đeo kiếm dài, đi ghệt). Đồng chí Lê Liêm đóng vai “đảng viên Đại Việt” có băng “Đại Việt”. “Thầy giáo” Hoàng Thế Dũng đóng vai thông ngôn, cũng đeo băng “Đại Việt” và cải trang để binh lính trong đồn không nhận ra.Một bộ phận không trực tiếp vào đồn được phân công đốt pháo giả làm tiếng súng tại khu nhà thương để nghi binh và dọa địch. Một bộ phận khác được bố trí trên đường 39, đoạn từ Vực Lưu (Thư Thị) đến Lưu Trung, có nhiệm vụ cắt dây điện thoại ngắt sự liên lạc giữa đồn Bần với chỉ huy Bảo an binh ở thị xã Hưng Yên và tìm cách ngăn chặn làm chậm bước tiến của lực lượng ứng cứu của Nhật có thể từ Hưng Yên lên.

Gần 21 giờ đêm 12-3-1945,khi nội ứng bí mật mở cổng đồn thì pháo do tự vệ ở khu nhà thương cũng nổ vang, quân ta nhanh chóng vào đồn, chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu rồi dõng dạc hô lớn “Quân Nhật về tước súng” trong khi quân lính đang mải mê cờ, bạc nên không có hành động chống cự nào. Riêng tên đồn trưởng thì tưởng quân Nhật thật nên bí mật “chuồn” bỏ mặc đồn và quân sĩ.

Do thông tin cuối cùng từ trong đồn và hiệp đồng với anh Việt lần cuối không thông suốt nên vũ khí của địch bị cất thành hai bộ phận. Một bộ phận 26 súng trường, 6 hòm đạn được để trong lô cốt còn 3 khẩu trung liên và 2 khẩu súng săn địch bó lại và cất ở nhà kho, nên khi tự vệ thu súng đã bỏ sót, chỉ tập trung thu súng, đạn ở ngay trong lô cốt. Trong vòng 5 phút, ta thu hết số súng, đạn địch để trong lô cốt mà không hề biết số súng còn cất trong kho; cũng không kịp lục soát thu súng và tài liệu tại nhà tên đồn trưởng rồi nhanh chóng rút ra khỏi đồn. Khoảng 20 phút sau khi ra khỏi đồn, ta rút quân theo đường Quán Chuột được khoảng gần 2km thì quân Nhật thật hành quân cơ giới cũng tới cổng đồn để thực hiện tước súng chứ không phải chúng biết có trận đánh mà đến ứng cứu. Khi đã biết “chậm chân” hơn Việt Minh, quân Nhật tức tối hò hét ầm ĩ, bắn loạn xạ rồi tức tốc đuổi theo hòng lấy lại số súng đạn. Nhưng quân ta đã rút lui an toàn, không có thương vong.

Theo chỉ đạo của Xứ ủy, số súng đạn thu được ở đồn Bần không trang bị cho LLVT địa phương mà tập trung gửi gấp ra Chí Linh - Đông Triều để góp phần xây dựng Chiến khu số 4 mang tên Chiến khu Trần Hưng Đạo, còn được gọi là “Đệ tứ chiến khu”. Do vậy 26 khẩu súng và 6.000 viên đạn được chuyển ngay lên cất giấu tại hai cơ sở thuộc huyện Văn Lâm để bí mật vận chuyển theo đường sắtra Hải Dương.

Sau 3 ngày chuẩn bị và gầnl tiếng đồng hồ thực hành trận đánh, LLVT bán thoát ly và tự vệ cơ sở thuộc ATK Bãi Sậy đã hoàn thành xuất sắc trận đánh, không có thương vong. Trận đánh mang nhiều ý nghĩa đặc biệt làm cho địch hoang mang, dao động, giảm sút ý chí, dễ dẫn tới tan rã khi ta nổi dậy giành chính quyền sau này. Trận đánh thắng lợi đã thổi bùng lên tinh thần và khí thế cách mạng sôi nổi, góp phần động viên, cổ vũnhân dân đẩy mạnh các hành động cách mạng như phát động quần chúng vùng lên phá các kho thóc của Nhật; từng bước tập dượt kết hợp đấu tranh chính trị với quân sự tiến lên giành chính quyền ở tất cả các huyện từ tháng 6/1945 (tước súng tại huyện đường Văn Lâm) và giành chính quyền cấp tỉnh ngày 22/8/1945. Việc dùng lực lượng bán vũ trang tại chỗ, với cách đánh bí mật, bất ngờ để tước súng một cứ điểm quân sự địch vào loại lớn lúc đó là một tiền đề làm cho các cấp tin tưởng rằng chỉ với lực lượng quần chúng và lực lượng vũ trang cơ sở nhưng nếu có ý chí, quyết tâm cao, có chủ trương phù hợp, biết nắm và chớp thời cơ thì vẫn đủ sức vũ trang khởi nghĩa để giành chính quyền ở mọi lúc, mọi nơi.

Đây thắng lợi vang dội tại đồng bằng trống trải đã diễn ra sau 68 ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đánh thắng đồn Phay Khắt, Nà Ngần (2 tháng 8 ngày), trong đó, cách đánh biến hoá này đã được đồng chí Võ Nguyên Giáp biểu dương là “trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ

1 nhận xét: