Ở nước ta, việc từ chức khó là do một bộ phận những người làm quan vì đức
mọn nên phải mua chức, chạy quyền. Với số tiền bỏ ra để “mua” một chức quan thì
người ta phải bằng mọi cách ở lại để bù vào số tiền đó, đồng thời lại phải “tái
sản xuất”, làm cho số vốn bỏ ra phải được thu về gấp hàng trăm lần.
Một bộ phận quan chức ở ta không chuyên nghiệp, tức trình độ năng lực quản
trị đất nước kém, trình độ chuyên môn thấp, thuộc dạng tài hèn. Số quan chức
này rất sợ khi “mất ghế”, không còn giữ chức vụ thì không biết sẽ làm gì, sống
bằng cách nào ngoài số tiền kiếm được thời làm quan. Ở các nước phát triển,
việc từ chức khá dễ dàng vì không làm quan thì họ làm nhiều việc khác mà thu
nhập lại cao, uy tín lớn. Tổng thống một số nước khi thôi giữ chức vụ có thể
viết hồi ký, làm diễn giả. Bộ trưởng một số nước sau khi từ chức có thể tham
gia giảng dạy, làm chủ tịch cho một tập đoàn kinh tế nào đó đem lại thu nhập có
khi bội phần.
Truyền thống phi văn hóa “một người làm quan cả họ được nhờ” ở ta ăn sâu,
bén rễ, thâm căn cố đế trong tâm lý một bộ phận không nhỏ quan chức. Giữ một
chức vụ cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước, nếu không có lương tâm, có thể tham
nhũng, nuôi được cả dòng họ; lợi dụng chức quyền để cho người thân, gia đình,
vợ con vụ lợi bằng nhiều cách khác nhau.
Nền kinh tế thị trường của ta chưa hoàn thiện nên cũng khó tạo cơ hội cho
người thôi giữ chức vụ. Thật ra, không phải quan chức nào cũng chỉ biết làm
quan. Họ có thể làm được những việc khác. Nhưng sau khi từ chức thì tìm một
việc làm chỗ khác không dễ dàng. Cái khó này do nhiều nguyên nhân từ môi trường
xã hội, hệ thống quản lý, tâm lý tiểu nông, khu vực kinh tế - xã hội tư nhân
chưa phát triển trong một nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện.
Lòng tự trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng giảm sút, mờ
nhạt. Số quan chức này chỉ biết đặt cái lợi cá nhân lên trên hết, trước hết. Họ
sẵn sàng bỏ ra ngoài tai mọi dư luận xã hội, miễn là giữ được ghế, thậm chí
chạy tuổi để thêm nhiệm kỳ. Không có liêm sỉ thì mấy ai có thể dễ dàng “cởi áo
từ quan”, tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ. Ở nước ta, quan
chức nhiều bổng lộc, vừa lương vừa “lậu”. Từ cấp Vụ trở lên đi đâu đã có xe và
nếu chức vụ cao hơn nữa thì như Tổng Bí thư dẫn ca dao, hò vè: “Họp thì có
người ghi, đi thì có người chở, ở thì có người chăm, nằm có người bóp”. Vậy thì
ai còn muốn từ chức? Phải là những cán bộ thật sự vì nước, vì dân, dám hy sinh
quyền lợi cá nhân, luôn luôn đặt lợi ích của nước, của dân lên trên hết, trước
hết thì mới làm được điều đó.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo công tác cán bộ. Đảng có trách nhiệm bố
trí, phân công cán bộ trong hệ thống chính trị. Một quan chức muốn từ chức
trong tình hình hiện nay, không phải cứ muốn từ chức là được mà phải qua nhiều
khâu. Quy định của Bộ Chính trị, ngoài chương “Quy định chung” là các chương
“Căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức”. “Quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức và
bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức”
Vấn đề đặt ra là phải bằng mọi cách, cùng với việc dỡ bỏ các rào cản về tâm
lý, luân lý, xã hội, chính trị, kinh tế, thì câu chuyện “quy định” cũng không
đơn giản. Bài học cho thấy các lĩnh vực khác nhau, chúng ta đều có các quy định
chuẩn. Ví dụ, năm 2011, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 47 về
những điều đảng viên không được làm mười năm trước. Hơn mười năm qua, một bộ
phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không tuân thủ quy định, phải vào vòng lao lý.
Việc ban hành các quy định, chỉ thị, nghị quyết nào được ban hành đều rất cần
thiết, rất quan trọng, rất có ý nghĩa, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Vấn đề có ý
nghĩa quyết định là các chỉ thị, nghị quyết, quy định đó đi vào cuộc sống như
thế nào. Thực tiễn là thước đo chân lý. Khi nói về Đại hội XIII, đồng chí Tổng
Bí thư cũng chỉ rõ thành công đến đâu phải lấy thực tiễn, hiệu quả thực hiện
nghị quyết làm thước đo.
Theo Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối
với cán bộ, “từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết
nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp nhận”.
Việc tự nguyện này đã xuất hiện với rất ít cán bộ trong vài nhiệm kỳ đại hội
Đảng gần đây. Sự hiếm hoi trong tự nguyện xin thôi giữ chức vụ là chuyện có
thật, phổ biến. Đó là một khó khăn trong việc thực hiện quy định.
Quy định của Bộ Chính trị đề cập đến “cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh
đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc
miến nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng.
Nhưng thực tiễn vừa qua cho thấy, có những tổ chức đảng, cấp ủy tê liệt, mất
sức chiến đấu. Nhiều tỉnh, thành phố lớn toàn bộ cấp ủy, người đứng đầu bị kỷ
luật.
Trong Quy định của Bộ Chính trị có đề cập căn cứ xem xét từ chức. Chẳng
hạn, đó là hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức
trách nhiệm vụ được giao; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu
theo quy định. Quy định căn cứ như vậy là rõ, nhưng khi đi vào thực tiễn không
đơn giản. Bởi vì không cán bộ nào tự nhận mình hạn chế về năng lực hoặc không
còn đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí “một số cán bộ, đảng viên thiếu
tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”.
Còn việc lấy phiếu tín nhiệm nhiều khi vẫn mang tính hình thức, vẫn còn tình
trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét