Ở nước ta hiện nay, bên cạnh lối sống vì con người, vì cộng đồng xã hội được ví như những đóa hoa tỏa ngát hương thơm làm đẹp cho đời thì vẫn còn một bộ phận người có lối sống tiêu cực, gây hại cho cách mạng và xã hội, đó là lối sống thực dụng.
Điều này đã được Nghị quyết
Trung ương 4, khóa XII cảnh báo có một bộ phận cán bộ, đảng viên mang biểu
hiện: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén
cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể”.
Trong hơn 9 thập niên lãnh đạo sự nghiệp cách mạng,
Đảng ta đã giáo dục, rèn luyện một lớp thế hệ cán bộ, đảng viên kiên trung, hết
lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên
trên hết, trước hết. Có rất nhiều câu chuyện về lối sống cao đẹp của cán bộ,
đảng viên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước
nhà. Điển hình như câu chuyện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kể về
Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) nảy ra sáng kiến cho vật liệu lót
đường trước, rồi mới cho đất đá vào thì đường mới chịu được sức nặng của đoàn
xe. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã triệu tập đảng viên họp và yêu cầu dỡ nhà,
chặt tre lót đường cho xe qua. Được Đảng bộ xã hưởng ứng, đồng chí Bí thư Đảng
ủy xã về dỡ nhà mình trước. Khi dỡ nhà, có người đến hỏi: “Sao ông dỡ nhà?”.
Đồng chí trả lời: “Vì miền Nam ruột thịt, vì chiến trường đang thiếu vũ khí
chiến đấu, tôi không thể đứng nhìn đoàn xe không qua được. Xe chưa qua, nhà
không tiếc!”. Sau đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho người nhà cùng với bộ đội,
thanh niên xung phong, vác gỗ, tre ra để làm nền đường.
Những tình cảm, trách nhiệm vì dân, vì nước vẫn được
phần đông cán bộ, đảng viên giữ gìn, phát huy trong thời đại mới. Tuy nhiên,
những năm qua, cũng đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên có lối sống thực
dụng. Một trong những biểu hiện dễ thấy của người cán bộ, đảng viên có lối sống
này là sống vị kỷ, xem lợi ích của mình là tối thượng, “miễn là mình béo, mặc
thiên hạ gầy”. Những người này thường “vui trước thiên hạ, lo sau thiên hạ”, họ
luôn tìm mọi cách thu vén, thậm chí tranh đoạt lợi ích cho riêng mình, bất chấp
việc đó có ảnh hưởng đến người khác và tập thể hay không.
Cán bộ, đảng viên có lối sống thực dụng thường có tham
vọng rất lớn, hám công danh, địa vị; họ tìm mọi cách để đạt được mục tiêu chính
trị, leo lên các vị trí chức vụ cao, sẵn sàng “chạy” dưới mọi hình thức để dễ
bề kiếm chác. Trong công việc, ngoài mặt thì họ tỏ ra tích cực, trách nhiệm,
nhưng đằng sau đó, họ lại làm cho xong việc, làm cho có, cốt “đánh trống ghi
tên”; khi gặp khó khăn, người có lối sống thực dụng thường dễ thoái chí, bàn
lui, không dám làm, tìm cách đùn đẩy, co cụm sống trong “khoảng an toàn”; khi
có thành tích thì tranh công, khi có khuyết điểm thì tìm cách đổ lỗi, không dám
nhận trách nhiệm về mình. Thậm chí, người có chức vụ, quyền hạn đã dung dưỡng,
bao che cho sai trái, tiêu cực, từ đó tạo ra những nhóm lợi ích để trục lợi.
Trong ứng xử, người có lối sống thực dụng chỉ chú tâm vào mối quan hệ đem lại
giá trị cho họ, các mối quan hệ có giá trị lợi dụng càng lớn thì càng tỏ vẻ
chặt chẽ, thân thiết, nhưng khi mối quan hệ đó không còn mang lại lợi ích cho
họ thì nhanh chóng nhạt phai.
Trong những dịp được gặp gỡ, trò chuyện với các thế hệ
đảng viên đi trước, khi được hỏi về lối sống thực dụng hiện nay, các bậc tiền
bối đều cảm thấy lo lắng về tác hại của lối sống này đối với cán bộ, đảng viên,
nhất là cán bộ, đảng viên trẻ. Nhiều đảng viên lão thành từng cảnh báo rằng,
nếu cán bộ, đảng viên có lối sống thực dụng sẽ rất nguy hại với tổ chức, với sự
nghiệp cách mạng của Đảng, làm giảm uy tín, hình ảnh của cán bộ, đảng viên
trong lòng nhân dân.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý
tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động,
thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý
chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm
chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý
thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao”.
Yếu tố tác động, gây ra tính chất nguy hiểm trên đều có sự “góp mặt” của lối
sống thực dụng đã và đang hiện hữu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét