Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

KHÔNG PHẢI AI CŨNG CÓ MAY MẮN ĐƯỢC CHỨNG KIẾN KHUNG CẢNH NƯỚC NHÀ THỐNG NHẤT

 

          Họ chiến đấu vì điều gì? Vì ngày Tổ quốc thu về một mối. Nhưng không phải người nào cũng có may mắn được chứng kiến khoảnh khắc ấy.

          Những ngày cuối cuộc chiến, tại trại Davids - một trại lính của những cuộc đàm phán bốn bên gần Tân Sơn Nhất, có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của hai phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN) đồn trú. Tướng Cao Văn Viên của VNCH muốn giữ những người này làm con tìm để ra yêu sách cho quân Giải phóng không tiến vào Sài Gòn, nếu nghiêm trọng hơn, có thể cho xe tăng và hơi độc thủ tiêu. Nhưng hàng trăm chiến sĩ của phía ta đã chuẩn bị sẵn sàng phương án chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…

          “Nhân dân Việt Nam đã chờ ngày này lâu lắm rồi, không thể trì hoãn lâu hơn được nữa. Toàn thể chiến sĩ hai phái đoàn sẵn sàng chiến đấu và hy sinh! Không được để anh em bận tâm, hãy để các anh em tiến thẳng vào Sài Gòn”

          Đêm 29, rạng sáng 30, một đơn vị đặc công phía ta tấn công đồn bốt Ký Thú Ôn - một địa điểm tiến vào Sài Gòn từ phía Nam. Nhiệm vụ không thành công, phần lớn trung đội hy sinh gần hết. Rạng sáng hôm sau, nơi này thất thủ bởi quân chủ lực của chúng ta. Một chiến sĩ từ trung đội hy sinh nói với đoàn quân đến sau: “Cám ơn các anh, thật buồn vì nhiều đồng chí của chúng tôi không đi cùng các anh vào trung tâm được”...

          Trước khi tấn công Trà Vinh, chiến sĩ Nguyễn Văn Tuân đã làm “quảng ca” cho đoàn quân, bắt nhịp hát bài: “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Anh Tuân được giao nhiệm vụ cầm cờ, một nhiệm vụ rất quan trọng, vừa vinh hạnh nhưng cũng là mục tiêu đầu tiên bị nhắm đến. Trà Vinh sạch bóng quân thù, nhưng anh Tuân phải nằm lại vĩnh viễn ở khoảnh khắc ngay trước khi lá cờ được cắm tại Trà Vinh - 11 giờ ngày 30/4/1975.

          “Tuân lúc đó mới 22 tuổi, gia đình nhiều lần thúc giục chuyện vợ con nhưng Tuân chưa chịu với lý do còn chiến tranh, không biết mình hi sinh lúc nào, sợ làm khổ người ở lại… Nó định sau chiến tranh sẽ tính, nhưng thật tiếc vì nó không được ngắm nhìn thời khắc quê hương của nó được giải phóng. Dự định ấy mãi mãi là dự định…” - đồng đội anh kể lại bùi ngùi.

          Cầu Rạch Chiếc là chiếc cầu huyết mạch ở cửa vào Sài Gòn. Trong 3 ngày từ 27 đến 30/04, đặc công ta và địch đã chiến đấu quyết liệt để chiếm quyền kiểm soát cây cầu này. Đây là trận đánh lớn cuối cùng của quân ta trước ngày giải phóng. Đơn vị chiến đấu đã làm lễ truy điệu sớm cùn mong ước khát khao được tiến vào Dinh Độc Lập… Nhưng 52 chiến sĩ đặc công của chúng ta đã hy sinh tại Rạch Chiếc, tuy họ không được tiến vào Dinh Độc Lập, nhưng đồng đội của họ đã thay họ làm việc đó…

          Nhắc về 30/04, phần đông chúng ta sẽ biết đến khung cảnh húc cổng Dinh Độc Lập, một số khác nghĩ về đoàn người nô nức kéo nhau chờ đón đoàn quân Giải phóng hoặc về hình ảnh lá cờ được phất vào thời khắc 11h30... Nhưng bên cạnh những hình ảnh chiến thắng đó, còn là những sự hy sinh anh hùng trong những khoảnh khắc cuối cùng…

          Nhớ lại khoảnh khắc cuối cùng của Mùi Cỏ Cháy, bốn chàng sinh viên chơi thân với nhau, cùng mong muốn chiến đấu, cùng khát khao chờ ngày Thống Nhất để chụp bức ảnh ăn mừng. Nhưng sau đó, chỉ còn một người còn sống…

          "Giữ cẩn thận, sau này cho con cháu chúng nó biết, chúng ta đã đi qua cuộc chiến này như thế nào nhá"...

            Cám ơn các anh, những người đã sống trọn vẹn cho Tổ Quốc!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét