Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

XỬ LÝ NGHIÊM VIỆC LỢI DỤNG HÌNH ẢNH ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐỂ ĐƯA TIN SAI LỆCH


Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước đã được nâng lên rõ rệt. Song song với phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng bào đã có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật…

Bám sát hơi thở cuộc sống, các phương tiện truyền thông đã tích cực thông tin phản ánh những bước “chuyển mình” của đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, đáng buồn là đâu đó vẫn còn những kênh truyền thông đưa nhiều thông tin, hình ảnh sai lệch, mang tính định kiến dân tộc trong các clip hài, video quảng cáo. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần tự tôn dân tộc mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy xã hội phức tạp.

Thực tế thời gian qua cho thấy, có một điểm chung trong các clip hài trên các kênh YouTube cá nhân đó là thường lợi dụng tính thật thà, chất phác của đồng bào để xây dựng nhiều chi tiết gây cười phản cảm, thiếu văn hóa. Trang phục thường không đúng với trang phục truyền thống của dân tộc, thậm chí có sự “pha tạp” quần áo giữa các dân tộc. Đặc biệt, đối với kênh A Hy TV, nhân vật nam (A Hy) có nhiều tình huống nhạy cảm, dẫn đến việc đụng chạm thân thể phụ nữ hoặc các hành động mang tính chất quấy rối, phản cảm như: sờ đùi, bắt phụ nữ thay đồ nơi công cộng, đi rao bán áo ngực, đi khám… để gây cười, câu view. Các nhân vật nữ trong clip thường xuất hiện với quần áo gợi cảm, hở hang. Có thể thấy rõ điều này qua các clip hài như: “Đi ngắm hoa dã quỳ bắt gái bản về làm vợ và cái kết có 102”, “Tộc bán đào tết lừa Kinh”, “Anh thô lỗ gặp chị vô duyên”, “Chuyện tình anh Tộc và cô hàng xóm xinh đẹp”... Theo các chuyên gia văn hóa, các clip hài nói trên không chỉ chứa đựng những nội dung độc hại, phản văn hóa mà nghiêm trọng hơn chúng còn truyền bá cái nhìn lệch lạc về bản sắc văn hóa và phẩm chất nhân cách của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, tạo lên những hiểu lầm, đánh giá sai lệch và cả những định kiến xã hội, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình đẳng của các nhóm tộc người và sự thịnh vượng chung.

Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nhất quán quan điểm thực hiện chủ trương các dân tộc bình đẳng và cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị và định kiến, gây chia rẽ dân tộc. Do đó, các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm vào cuộc xử lý quyết liệt, dứt điểm việc đưa thông tin, hình ảnh sai lệch, không đúng với thuần phong, mỹ tục của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, hạn chế những vi phạm tương tự; đồng thời góp phần tăng cường môi trường bình đẳng, đoàn kết để các dân tộc cùng phát triển, vươn lên./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét