Ngay từ thời phong kiến khi dạy người, ông cha ta đã rất coi trọng giáo dục môn Lịch sử. Thời kỳ đó, các nho sinh từ 6 tuổi trở lên đã phải ngày đêm đèn sách, gắng sức học cho thông kinh sử, bởi không thông sử thì khó mà đỗ đạt làm quan để phụng sự dân tộc, quản lý đất nước, sau nữa là rạng rỡ tổ tông. Sinh thời Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã dạy Nguyễn Tất Thành thời còn niên thiếu nhiều kiến thức, nhưng nhiều nhất vẫn là những bài học về lịch sử, thông qua những trang sử nước nhà đã giúp người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm hun đúc lòng yêu nước và ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc ra khỏi ách áp bức, cường quyền của bọn đế quốc, phong kiến. Thấm thía rõ điều ấy, ngay từ năm 1942 khi lãnh đạo Mặt trận Việt Minh và nhân dân Việt Nam chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã soạn một tài liệu có tên: Lịch sử nước ta để tuyên truyền vận động nhân dân. Mở đầu tài liệu, Người viết: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu thơ dản dị ấy đã nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của lịch sử dân tộc đối với mỗi người dân đất Việt. Tất cả những giá trị lịch sử, văn hóa của người Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước thường được đúc kết bằng những trang sử sách, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm vô cùng kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Dạy lịch sử chính là dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam biết làm người, giáo dục cho họ hiểu biết những phẩm giá, nhân cách con người Việt, góp phần nâng cao cái “phông” văn hóa cho học sinh, qua đó giúp cho các em hiểu biết quá khứ hào hùng của dân tộc và những giá trị của ngày hôm nay. Nếu chúng ta không dạy cho thế hệ trẻ môn Lịch sử, thì chẳng khác nào làm cho cuộc sống của họ như “cây không có gốc”, “suối không có nguồn”, khó có thể phát triển toàn diện và bền vững. Trong lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (1966- 2011), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Sử học là ngành khoa học nền tảng hết sức quan trọng, không chỉ dừng lại ở quá khứ mà từ đó biết cả hiện tại và tương lai, phục vụ trực tiếp sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Nhìn xa ra quốc tế cũng chưa thấy quốc gia nào coi nhẹ dạy môn Lịch sử, thậm chí các quốc gia tiên tiến khi xét cấp quốc tịch họ đều bắt buộc thi 2 môn đó là Lịch sử và ngôn ngữ của quốc gia ấy.
Chúng ta đều biết, lịch sử xã hội loài người hay lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc là quá trình phát triển tự nhiên, biện chứng, trong đó chứa đựng rất nhiều sự kiện và nhân vật bi, hùng. Lịch sử là một kho tàng kinh nghiệm phong phú mà con người tích lũy được. Sử học, hay khoa học lịch sử là một trong những ngành khoa học xuất hiện sớm giúp cho con người nhận thức và cải tạo thế giới khách quan. Lịch sử sẽ giúp cho thế hệ hiện tại và tương lai tiếp cận chân lý một cách nhanh nhất và hành động một cách hiệu quả nhất. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Nghiên cứu lịch sử không phải chỉ với mục đích giải thích quá khứ mà còn cả ý nghĩa mạnh dạn tiên đoán tương lai và mạnh dạn kiến nghị thực hiện các tiên đoán đó”. Mặt khác, lịch sử sẽ giải thích cho mỗi người hiểu được mình sinh ra và lớn lên từ đâu với quá khứ như thế nào. Chúng ta không thể hình dung được sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người nếu bị tách ra khỏi quá khứ hoặc sống trong một quá khứ mịt mù. Khi bàn về điều này, Tổng thống nước Pháp Francois Miterand lãnh đạo đất nước từ năm1981 đến năm1995, đã nói rằng: Những kẻ không hiểu lịch sử dân tộc thì bơ vơ như những đứa trẻ mồ côi. Vì thế, Chính phủ thời Ông đã có nhiều biện pháp chấn hưng sử học nước Pháp, đẩy mạnh việc truyền bá và giáo dục lịch sử, coi dạy- học môn Lịch sử là một trong những môn học bắt buộc ở bậc học phổ thông. Vì “Sử học là thầy dạy của cuộc sống”.
Khi bước vào thời kỳ đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để tiếp tục phát huy vai trò và tầm quan trọng các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung, môn Lịch sử nói riêng, Đảng ta đã có những nghị quyết định hướng và chỉ đạo dạy - học môn Lịch sử cho bậc học phổ thông. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), tháng 12 năm 1996, đã đề ra yêu cầu ngành giáo dục phải “coi trọng các môn tiếng Việt, văn hóa và lịch sử dân tộc, địa lý Việt Nam”. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (2011), đã chỉ rõ: “Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội”. Như vậy, quan điểm, chủ trương của Đảng là nhất quán, định hướng rất rõ về giáo dục môn Lịch sử cho bậc học phổ thông, chúng ta không thể làm trái sự chỉ đạo và định hướng đó. Mục tiêu của giáo dục phổ thông là đào tạo ra những con người có trí tuệ, bản lĩnh vững vàng và năng lực hành động sáng tạo. Suy nghĩ về vấn đề này, trong Điện chúc mừng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 16/8/2012, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết: “Giáo dục khoa học Lịch sử cho thế hệ trẻ Việt Nam là vấn đề vô cùng quan trọng đối với tương lai và sự trường tồn phát triển dân tộc”. Lời căn dặn đó đã thể hiện lòng mong muốn đầy tâm huyết của Đại tướng đối với tương lai của đất nước và dân tộc.
Với chiều dày lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải trải qua biết bao thăng trầm. Với những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ... Kể cả những thất bại đau xót trong công cuộc giữ nước của An Dương Vương thời quốc gia Âu Lạc, Hồ Quý Ly đầu thế kỷ XV và Triều Nguyễn nửa cuối thế kỷ XIX, luôn là một kho tư liệu sinh động chứa đựng những bài học, kinh nghiệm bi, hùng về công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cần phải được truyền bá, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay để họ tự hào với những chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta, đồng thời nhắc nhở họ luôn nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng đó, dân tộc ta đã phải trải qua hàng chục cuộc chiến tranh chống xâm lược với các thế lực phong kiến, đế quốc khác nhau, mà dài nhất là hơn một ngàn năm đấu tranh chống sự đô hộ của các tập đoàn phong kiến phương Bắc. Tất cả các thế lực xâm lược nước ta đều đã dùng trăm phương, nghìn kế để xóa bỏ lịch sử và văn hóa dân tộc ta, hòng để đồng hóa dân tộc nhưng chúng đều thất bại. Điều đó nói lên việc xóa bỏ lịch sử dân tộc là một trong những thủ đoạn vô cùng thâm độc, xảo quyệt của các thế lực phong kiến, đế quốc khi xâm lược nước ta và các thế lực phản động ngày nay. Âm mưu của chúng là muốn xâm chiếm, thôn tính, thống trị nước ta lâu dài. Mặt khác, cuộc cách mạng khoa học- công nghệ hiện nay, nhất là công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, các thế lực thù địch đang lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet, thông qua các trang mạng xã hội như: facebook, youtube, twite; trang web hay blog…để tuyền truyền, xuyên tạc, bôi đen, bóp méo lịch sử dân tộc, phủ nhận những giá trị của những sự kiện, nhân vật lịch sử đích thực trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Thủ đoạn của chúng là triệt để khai thác, cắt xén, nhào nặn những thông tin sai sự thật, không được kiểm chứng, làm cho thật- giả lẫn lộn, tạo ra sự tò mò, hoài nghi trong dư luận. Đối tượng chủ yếu mà chúng nhắm đến là thế hệ trẻ. Vì vậy, giáo dục lịch sử dân tộc ở bậc học phổ thông lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu như môn lịch sử không được đối xử và lựa chọn đúng với vị trí, vai trò của nó, không trở thành môn học bắt buộc cho học sinh trung học phổ thông thì rất nguy hại cho quốc gia, dân tộc, vô tình tiếp tay cho kẻ thù.
Hiện nay, tình hình chính trị- an ninh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến hết sức phức tạp. Tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh mạng, chiến tranh cục bộ… tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới.
Đối với Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đang đặt ra ngày càng nặng nề và phức tạp hơn, chủ quyền đất nước đang bị đe doạ. Nếu chúng ta không có sự giáo dục đúng mức thì nhiều thế hệ người Việt không thể hiểu biết đầy đủ về lịch sử chủ quyền quốc gia. Thế hệ trẻ lớn lên qua nền giáo dục phổ thông mà không nắm chắc hiểu rõ lịch sử dân tộc, không có niềm tin dân tộc, không kế thừa các truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc thì làm sao có thể yêu nước và bảo vệ đất nước một cách chân chính nhất.
Để môn lịch sử là môn học chính khóa, bắt buộc ở bậc học phổ thông nước ta hiện nay, chúng ta cần phải làm tốt những vấn đề chủ yếu sau:
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉnh sửa lại Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, đưa môn Lịch sử về đúng với vị trí, vai trò của nó, xác định lịch sử là môn học chính khóa, bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông nước ta. Tiếp tục làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy - học môn Lịch sử, không coi đó là môn học tự chọn. Làm như vậy mới nêu cao vai trò, chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước, nêu cao trách nhiệm của người dạy và người học. Nếu môn Lịch sử không phải là môn học chính, bắt buộc ở bậc học phổ thông thì sẽ dẫn đến buông lỏng quản lý môn học này, làm cho đội ngũ người thầy không muốn dạy môn Lịch sử và học sinh cũng không muốn học môn Lịch sử và khi đó thì lịch sử dân tộc sẽ ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm cả tiền nhân và hậu thế về sự thật lịch sử này? Đến một lúc nào đó chính thế hệ được giáo dục bằng Dự thảo chương trình này sẽ quay lưng lại với tổ tiên và ông cha ta, sẽ quay lưng lại với quốc gia, dân tộc. Đó sẽ là hậu quả khôn lường.
Biên soạn lại bộ sách giáo khoa lịch sử phổ thông với phương pháp tư duy khoa học, bằng cách khái quát các sự kiện lịch sử thành những mốc lớn sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, trọng tâm là đi sâu khai thác làm rõ ý nghĩa của các sự kiện lịch sử thành các bài học để bồi dưỡng nhân cách, kích thích tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho học sinh phổ thông, giúp cho các em hiểu và nắm vững các sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay.
Đổi mới phương pháp dạy- học môn Lịch sử và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử cho ngang tầm với yêu cầu mới. Dạy - học môn Lịch sử không nên theo kiểu thuộc lòng các sự kiện đã diễn ra (tất nhiên là cần nhớ chính xác một số sự kiện trọng đại của đất nước). Điều quan trọng là người thầy cần giúp cho các em học sinh hiểu và đánh giá đúng ý nghĩa và giá trị của các sự kiện lịch sử đối với tiến trình phát triển của một đất nước, một dân tộc. Dẫn dắt các em vào lịch sử dân tộc và thế giới, càng vào sâu càng hấp dẫn và khám phá điều mới lạ, vô cùng cần thiết cho con đường đi lên, con đường sống của các em. Đối với người Việt Nam, đó là các sự kiện liên quan đến công cuộc đấu tranh bảo vệ và giữ gìn nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới xây dựng Tổ quốc. Làm cho học sinh khi học môn Lịch sử, phải hiểu rõ giá trị các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, từ đó các em sẽ tự hào với truyền thống của dân tộc, có ý thức trách nhiệm với tương lai, tiền đồ của đất nước. Dạy - học môn Lịch sử chính là trang bị cho các em những kiến thức xã hội cần thiết để bước vào đời được vững vàng và chững chạc hơn. Qua đó gây cho các em cảm hứng, thích thú, nhớ lâu và càng muốn học môn Lịch sử để hiểu sâu thêm về đất nước, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đối với đội ngũ giáo viên dạy sử, chú ý cải thiện điều kiện làm việc của họ, có chính sách đãi ngộ hợp lý để họ không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Thượng tướng, PGS, TS Võ Tiến Trung - nguyên UVBCHTW Đảng, nguyên UVQUTW, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét