Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

 

Những cánh rừng… biến mất

Theo thông tin "Vì sao rừng bị tàn phá gần 400 ha mới được phát hiện", đăng trên Nhân Dân điện tử ngày 9/4/2022 và tính ra, thời gian tàn phá 400 ha rừng chỉ trong khoảng 15-20 ngày, như vậy bình quân mỗi ngày hơn 20 ha rừng bị tàn phá. Giả thử một người phá được 1 ha rừng trong một đêm, thì mỗi đêm phải cần 20 người kèm theo dụng cụ như đèn pin, cưa máy, theo đó cả cánh rừng sẽ sáng rực, ầm ào vì cây đổ vào ban đêm.

Trụ sở Ủy ban nhân dân xã chỉ cách khu rừng 16 km nhưng cán bộ xã không biết. Người dân địa phương không được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng biết chuyện phá rừng nhưng sợ bị trả thù nên không dám báo. Tám người của xã được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng thì nêu lý do lực lượng mỏng, chỉ đi được ban ngày, không đi ban đêm và một lý do khác rất chính đáng, đó là nhiều người bị... F0.

Tất cả những lý do trên đều là ngụy biện cho sự vô can. Nếu yêu rừng, bảo vệ rừng thì một cây bị đốn hạ sẽ có một khoảng trống trong tầm mắt. Một héc-ta rừng bị đốn hạ, một khoảng trống rất lớn hiện ra. Và khi 400 ha rừng bị tàn phá, không khó để khẳng định, nó là biểu hiện của sự thỏa thuận làm ngơ, sau đó sẽ chuyển hóa đất rừng thành loại đất khác rồi cùng nhau chia lợi nhuận.

"Ăn của rừng rưng rưng nước mắt" lời người xưa đã dạy, nay hiện hình với những trả giá cho rừng, mùa mưa sạt lở, lũ ống, lũ quét, mùa khô hạn hán, bí bách đủ đường.

Mấy năm trước, chúng tôi lên thành phố Kon Tum, trò chuyện với nhiều người sống lâu năm ở trên thành phố này. Họ kể rằng, những năm trước, tháng ba Tây Nguyên là mùa khói. Vào độ này, ngồi ở bất cứ quán cà-phê nào cũng đều khó thở vì khói đốt rẫy, đốt rừng tỏa khắp phố núi.

Và để tận mắt nhìn xem rừng nước ta còn nhiều hay ít, cứ ra cột mốc ba biên (Việt Nam-Lào-Campuchia) sẽ có một sự so sánh rõ ràng nhất, thật nhất về rừng trên lãnh thổ nước ta và nước bạn. Bên nước bạn, rừng vẫn xanh tốt, vạm vỡ. Còn bên nước mình phơi bày đất trống, đồi trọc trong nắng tháng ba. Ở đó, những chiếc xe mù chở sắn củ cồng kềnh, bụi đỏ
ngợp đường.

Năm 1992, trong đoàn giáo sinh đi thực tế Tây Nguyên, chúng tôi đi bộ vào những cánh rừng nguyên sinh ngay bên cạnh quốc lộ 14. Chúng tôi còn bị dọa về mức độ không an toàn khi tự động đi chơi trong những cánh rừng đó.

Mất rừng khiến Tây Nguyên rơi vào một thảm cảnh khác, nguy cơ khô hạn hiện hình. Ði từ thành phố Kon Tum theo quốc lộ 14 về thành phố Pleiku (Gia Lai) sẽ thấy nhiều phiến đá nằm công kênh nhau trên những quả đồi không còn cây xanh chạy dài theo cung đường. Và nhiều cung đường khác, rừng mất, mùa khô khô hạn cháy rừng, mùa mưa nước từ các đỉnh núi cao cuốn theo đất đá gây ngập lụt phía khu dân cư bên dưới.

Sự suy giảm diện tích rừng Tây Nguyên nói riêng và rừng cả nước nói chung đang chứng kiến rất rõ sự trả giá cho điều đó. Chuyện phá 400 ha rừng chỉ trong 15-20 đêm là chuyện phá rừng có tổ chức và hết sức tàn khốc.

Tháng ba năm nay, các tỉnh duyên hải miền trung có lũ, một cơn lũ kỳ lạ ngập úng hoa màu. "Lũ tháng ba, cháy nhà tháng bảy"- đó là lời người xưa dạy rằng tháng ba không bao giờ có lũ, tháng bảy mưa dầm, không sợ cháy nhà tranh. Nhưng nay, mọi chuyện đều đảo ngược! Thời tiết dị biến trong những năm gần đây với chuyện xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, khô hạn Tây Nguyên, lũ ống lũ quét hoành hành, chúng ta mới hiểu được vấn đề có rừng, cần rừng và bảo vệ rừng nguyên vẹn. Rừng có vị trí quan trọng về nguồn nước, về môi trường sinh thái, sinh học và điều tiết khí hậu.

Giữ rừng là giữ môi trường sống của thiên nhiên và của cả chúng ta. Rừng không những giữ nguồn nước cho con người và mùa màng, điều tiết khí hậu nhịp nhàng trong năm, mà còn làm sạch không khí cho chúng ta thở.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét