Khắc phục, xử lý kịp thời tình trạng lãng phí
Hiện nay, Quốc hội đang tổ
chức Đoàn Giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, Đoàn Giám sát
đã ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết, ban hành công văn gửi các Đoàn đại biểu
Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương; ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ đối
với thành viên Đoàn Giám sát; có công văn đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban
của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp trong triển khai
hoạt động giám sát.
Theo thông tin bước đầu, một số nội dung, thông tin, số liệu từ cơ sở gửi về chưa đầy đủ. Vì vậy, Đoàn Giám sát tiếp tục có công văn gửi yêu cầu các đơn vị, địa phương bổ sung nội dung, thông tin, số liệu...
Chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội
về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt
cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Đây là nội dung được các tầng lớp nhân dân,
dư luận xã hội rất quan tâm bởi ý nghĩa thực tế, tác động trực tiếp, nhiều
chiều đối với quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội
của đất nước sau hơn hai năm liên tiếp bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch
Covid-19.
Việc tổ chức giám sát chuyên đề này cần
thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng bởi nội dung, lĩnh vực cần giám sát là rất rộng
lớn trong khi những năm qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói chung
chưa được quan tâm đúng mức, chưa đạt hiệu quả tốt, còn gây bức xúc trong nhân
dân.
Trong đó, có khá nhiều lĩnh vực cần được
quan tâm giám sát cụ thể, toàn diện, như: quản lý, khai thác, sử dụng tài
nguyên; mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc; chủ trương tinh giản
biên chế; tổ chức lại các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm đầu
mối và tiết kiệm chi; cắt giảm chi thường xuyên; giải quyết thủ tục hành chính,
giao dịch dân sự; quản lý tài sản công, quản lý ngân sách; chi đầu tư phát
triển...
Tại các kỳ họp Quốc hội, có đại biểu
từng nêu ý kiến của cử tri về thực trạng không tiết kiệm, lãng phí còn diễn ra
ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực khác nhau mà chưa được quan tâm giải quyết, xử lý
kịp thời.
Vì vậy, một trong những công việc quan
trọng của Đoàn Giám sát chuyên đề này là nêu rõ thực trạng công tác thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí đã được các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các bộ,
ngành, địa phương quan tâm đúng mức hay chưa? Việc quan tâm được thể hiện bằng
những công việc cụ thể nào? Nơi xảy ra lãng phí, không thực hành tiết kiệm thì
cấp nào chịu trách nhiệm? Bên cạnh đó, cần chỉ rõ những nơi đã làm tốt để kịp
thời biểu dương và nêu rõ những nơi thờ ơ, vi phạm để xử lý nghiêm minh...
Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội
mang nhiệm vụ quan trọng bởi thực trạng lãng phí ngày càng khó đo lường, diễn
ra tinh vi, phức tạp, chưa được phát hiện và khắc phục triệt để.
Báo cáo giám sát của Quốc hội về lĩnh
vực này sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội bởi qua đây sẽ nhìn nhận
được những vấn đề lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất
là những hạn chế, bất cập; đồng thời, đánh giá được tình hình thực hiện chính
sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí, cụ thể là Luật Thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2013 và có hiệu lực thi
hành từ 1/7/2014 đến nay.
Nội dung báo cáo của giám sát chuyên đề
sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để tiếp tục cập nhật, hoàn thiện và đề
ra giải pháp cụ thể trong xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện trong thời gian
tới.
Kết quả giám sát chuyên đề cần thẳng
thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để tiếp tục nâng cao trách nhiệm
của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và ý
thức chấp hành pháp luật của các cấp ngành trong thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí.
Cần xử lý hiệu quả, xử lý ngay những
vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách pháp luật, tổ chức chỉ đạo,
điều hành công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao chất lượng
công tác này, bảo đảm sử dụng các nguồn lực hiệu quả tốt nhất trong thời điểm
đất nước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Bên cạnh giám sát qua báo cáo, cần tổ
chức tốt việc giám sát thực tế; phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan; tìm
hiểu, lắng nghe, tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, các chủ thể là đối
tượng của hoạt động quản lý nhà nước, chịu tác động của các chủ trương, chính
sách, chương trình, dự án và các cơ quan, tổ chức liên quan hoạt động của đối
tượng chịu sự giám sát.
Các thành viên của Đoàn Giám sát phải là
những chuyên gia am hiểu sâu về chuyên môn cũng như liên quan lĩnh vực giám
sát. Qua đó, có thể nâng cao chất lượng giám sát và phát hiện những vấn đề,
chuyên môn sâu của chuyên ngành. Ngoài ra, một nội dung quan trọng rất được
quan tâm và cần thực hiện tốt đó là tinh thần “đeo bám”, trách nhiệm cao trong
việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc khắc phục những hạn chế được kiến nghị sau
giám sát…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét