Gần đây, nếu quan tâm theo dõi tình hình, có thể thấy sự xuất
hiện của một vài ý kiến đòi xem xét lại nội dung cốt lõi nền tảng tư tưởng của
Đảng. Có người thì tỏ ra nhẹ nhàng “hiến kế”, “tâm thư”, “góp ý” rằng Chủ nghĩa
Mác-Lênin đã lỗi thời, nên thay bằng những thứ mà họ gọi là “chủ thuyết phát
triển mới”, rằng nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không có gì mới, vẫn
là “bổn cũ soạn lại”, “sao chép theo lối mòn”, thiếu tầm tư duy chiến lược,
không biết tiếp thu những tinh hoa của nhân loại. Có người thì công khai phủ định,
phản bác Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng, con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Họ đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập,
xây dựng chế độ xã hội theo mô hình phương Tây... Những quan điểm mang tư tưởng
xét lại, chống phá nói trên nếu không được phản bác, ngăn chặn sẽ gây hoang
mang trong nhân dân, làm suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào CNXH
và con đường đi lên CNXH.
Thực tế thì không phải bây giờ mà ngay từ lúc Mác, Ăngghen
và Lênin còn sống, những thành phần đòi xét lại Chủ nghĩa Mác-Lênin đã xuất hiện.
Những người theo chủ nghĩa xét lại vẫn chấp nhận các lý tưởng cùng nền tảng lý
luận cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng phê bình những luận điểm của Mác,
Lênin về cương lĩnh, chiến lược và sách lược cách mạng... mà họ cho là không
còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trên thế giới và ở từng nước. Một số người
đưa ra quan điểm rằng, trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản (CNTB) bước sang thời kỳ
phát triển tương đối hòa bình, các hình thức đấu tranh nghị trường được sử dụng
rộng rãi, mâu thuẫn cơ bản của CNTB sẽ dịu đi và vì vậy, không cần đấu tranh
xóa bỏ sự bóc lột của tư bản chủ nghĩa, mà chỉ cần sự thâm nhập hòa bình của
khuynh hướng XHCN là thực hiện được mục tiêu xóa bỏ áp bức, bóc lột. Những người
khác thì lập luận rằng, những thứ như tự do chính trị, dân chủ, quyền công dân
trong CNTB sẽ loại bỏ tính tất yếu đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân.
Vì thế, mục tiêu cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân là thiết lập dân chủ tư
sản, cải cách CNTB, điều hòa xung đột giữa giai cấp tư sản và giai cấp công
nhân.
Dù tên gọi, biến tướng có khác nhau nhưng tựu trung, chủ
nghĩa xét lại có hai khuynh hướng chính. Chủ nghĩa xét lại “tả khuynh” tìm cách
đánh tráo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng những quan điểm vô chính
phủ, duy ý chí có tính tiểu tư sản, phủ nhận tính tất yếu đấu tranh chính trị của
giai cấp công nhân, phủ nhận vai trò của đảng cộng sản và chuyên chính vô sản.
Chủ nghĩa xét lại “hữu khuynh” thì đòi bác bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, muốn thay thế
những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng những quan điểm, cải cách tư sản.
Và dù ngụy trang dưới bất kỳ hình thức nào, dù có những điều chỉnh nhất định,
chủ nghĩa xét lại cũng không thể che giấu được động cơ là xa rời mục tiêu cuối
cùng của giai cấp công nhân, từ bỏ cuộc đấu tranh giành thắng lợi cho CNXH.
Vì mang tính chất hai mặt của những giai tầng xã hội tiểu tư
sản, tiểu chủ trong điều kiện CNTB và trong điều kiện đấu tranh vì CNXH ngày
càng gay gắt nên chủ nghĩa xét lại thường xuất hiện khi có bước ngoặt. Vào thời
điểm khó khăn, phức tạp, thử thách hoặc khi những phát minh, sáng chế khoa học
và tình hình mới dẫn đến phá vỡ giới hạn nhận thức cũ, người nhiễm tư tưởng xét
lại thường không đủ khả năng nhận thức đúng những hiện tượng mới nảy sinh, những
thay đổi trong sách lược của các đảng cộng sản nên hay dao động, không vững
vàng. Thêm vào đó, trước sự tấn công điên cuồng của CNTB, họ tỏ ra yếu đuối,
hoang mang, dễ bị lợi dụng, từ đó mà nảy sinh tư tưởng xét lại, thậm chí chuyển
hóa thành phản bội.
Thực tế cho thấy, khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ,
cách mạng thế giới thoái trào, những người mang tư tưởng xét lại bắt đầu tỏ ra
bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH. Có người quy kết
nguyên nhân đổ vỡ này là do sai lầm của Chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lựa chọn con
đường xây dựng CNXH. Có người thì quay ra phụ họa với các luận điệu công kích,
bài bác CNXH, ca ngợi một chiều CNTB. Thậm chí có người còn sám hối về một thời
đã tin theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường XHCN, cho rằng cần phải đi con đường
khác. Các quan điểm “tân Mác-xít”, “hậu Mác-xít”... thi nhau trỗi dậy, gây xáo
trộn về tư tưởng.
Ở Việt Nam, trong quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, phức
tạp, ở những bước ngoặt, chúng ta cũng thấy xuất hiện tư tưởng cơ hội, xét lại
dưới nhiều màu sắc “hữu khuynh”, “tả khuynh”. Dù chỉ tồn tại với tính cách
là quan điểm, tư tưởng chứ chưa định hình rõ như “chủ nghĩa”; biểu hiện ở lời
nói, trang viết và hành động nhỏ lẻ của một số người, một nhóm người nhưng tư
tưởng xét lại cũng gây nhiều khó khăn cho cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước, khi cuộc chiến ở vào thời kỳ quyết liệt, đã có những người
tỏ ra dao động trước sức mạnh tàn bạo của kẻ thù, trước hy sinh, gian khổ nên
không kiên định với đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam, ảo tưởng về con đường
chung sống hòa bình. Vào thời điểm Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phong
trào cộng sản suy thoái, đất nước thì lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội sâu sắc,
một số người bắt đầu dao động, ngả nghiêng, do dự, mơ hồ, hoài nghi vào con đường
đi lên CNXH. Thậm chí có người cho rằng lý luận về CNXH đã sụp đổ, cần phải thực
hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xây dựng chế độ xã hội theo mô hình
phương Tây, phi chính trị hóa quân đội... Vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên và nhân
dân cần hết sức tỉnh táo nhận diện, đấu
tranh chống mọi biểu hiện chủ nghĩa cơ hội xét lại của các thế lực phản động,
thù địch hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét