Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Ngày 30/4 - Theo dấu chân Người

Ngày 30-4-1947, trên Chiến khu Việt Bắc, Bác tham dự một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại: “Gần tối, lúc chúng mình đang ăn cơm thì Hồ Chủ tịch đến trong bộ áo quần bí mật của Cụ. Lần này thì lưng mang một gùi, vai mang súng, mình mặc bộ quần áo màu nâu, đội mũ như bộ đội, mặt che đậy hết nửa, mới trông như người đi săn trong rừng sâu, không ai tài nào nhận ra được. Bắt tay vui vẻ với tất cả mọi người, rồi giản dị hơn ai hết, Cụ bảo thêm một chén một đũa để Cụ cùng ngồi ăn trong lúc mâm cơm đó gần tàn... 7 giờ tối, bắt đầu Hội đồng. Ai nấy ngồi xếp ve quanh mấy chiếc chiếu trải dài... Hội đồng hôm nay có 2 tin buồn, cái chết của cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) và Nam (Hoàng Hữu Nam). Cụ nói qua lịch sử chiến đấu của hai chiến sĩ trong Chính phủ sau khi tất cả đều mặc niệm một phút... Cụ Chủ tịch nói với một giọng đau đớn như Cụ đã mất một người anh và một người con... Sau đó, Cụ báo cáo tình hình chính trị chung ngoài nước và trong nước…”.  Đến 3 giờ khuya cuộc họp mới kết thúc.

Ngày 30-4-1949, một ngày trước Ngày Quốc tế Lao động, Bác viết thư chào mừng với đầu đề “Nhiệm vụ chính trong giai đoạn mới” trong đó xác định: “Ở các nước, ngày này là ngày riêng của lao động, kiểm điểm lực lượng của mình, để đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp. Ở nước ta, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, sĩ, nông, công, thương, binh, toàn dân đều đoàn kết thành một khối, toàn dân đều ra sức lao động, nhằm một mục đích: giết giặc cứu nước. Ngày 1-5 là ngày lễ của toàn thể đồng bào ta”.

Ngày 30-4-1964, nói chuyện với Đại hội liên hoan Phụ nữ “5 tốt”, Bác khẳng định: “Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”.  Phân tích những nội dung của “5 tốt”, Bác nhấn mạnh: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”.


Về nội dung “gia đình”, Bác đưa ra quan niệm: “Gia” là nhà, “đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình… Ta có câu hát:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.


(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét