Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

MỘT DÂN TỘC MÀ CON DÂN KHÔNG HIỂU ĐẦY ĐỦ LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ THÌ LÀM SAO CÓ ĐƯỢC LÒNG YÊU NƯỚC!

     Cách đây hơn 5 tháng tôi đã viết bài này và bài đã được đăng trên Tạp chí Tri Ân, hy vọng góp một tiếng nói để lãnh đạo Bộ giáo dục có cách nhìn đúng đắn về thực trạng dạy và học môn Lịch sử. Thế nhưng rất tiếc trước sự bức xúc của Quốc hội, của Nhân dân, lãnh đạo Bộ vẫn tự nhiên chủ nghĩa, tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục mới và đưa môn sử trở thành môn tự chọn ở cấp Phổ Thông trung học, một cách gián tiếp bỏ môn sử trong giáo dục phổ thông (từ lớp 1-3 không có dạy môn sử, từ lớp 4-9 tích hợp môn sử cùng môn địa lý với tên gọi môn Lịch sử và Địa lý, còn từ lớp 10-12 là môn học tự chọn), Bộ đã làm trái Nghị quyết của QH, trái sự chỉ đạo của Đảng và lời dạy của Hồ Chủ tịch, đi ngược lại nguyện vọng của toàn dân và quy luật xây dựng nhân tố chính trị tinh thần của dân tộc.
Để làm rõ những lý giải của Bộ tôi chia sẻ lại bài viết này để cộng đồng mạng tham khảo.
——

Đôi điều suy nghĩ về giáo dục lịch sử hiện nay.
Mấy ngày qua, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV đang thực hiện phiên chất vấn các Bộ trưởng, có thể nói, đây là nội dung được cử tri chú ý theo dõi và mong cả hai phía: phía chất vấn của Đại biểu QH cần bám sát thực tiễn của cuộc sống, nắm bắt đầy đủ và kịp thời những vấn đề bức xúc, bất cập trong thực thi pháp luật và các chính sách xã hội để đặt ra những câu hỏi ngắn, gọn, rõ, sát, đúng với thực tiễn và nhu cầu đòi hỏi cho sự phát triển của đất nước và cuộc sống của nhân dân, nhất là những vấn đề có tầm chiến lược của xã hội; còn phía các Bộ trưởng điều đầu tiên là cần bám sát câu hỏi chất vấn, nắm bắt đúng nội dung chất vấn để có câu trả lời ngắn, gọn, có lý giải rõ ràng và giải đáp thỏa đáng những vấn đề đặt ra. 
    
Qua ba Bộ trưởng trả lời tôi không có nhận xét ưu khuyết vì việc này sau mỗi phiên chất vấn của mỗi Bộ trưởng Chủ tịch Quốc hội đã có nhận xét khái quát rồi, ở đây tôi chỉ nêu một vấn đề mà qua rất nhiều kỳ họp mới nghe tưởng là nhỏ song thực chất nó không nhỏ thế nhưng cho đến nay vẫn chưa làm chuyển biến được tình hình, đó là: Vì sao thế hệ tương lại của đất nước không yêu thích môn học lịch sử? (Có lúc cả một Hội đồng thi tốt nghiệp phổ thông của một thành phố chỉ có một thí sinh thi môn sử, điểm trung bình môn nằm trong các môn thi thấp nhất?...)
    
Song qua theo dõi của nhiều kỳ họp, hầu như qua mấy đời Bộ trưởng từ ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Phạm Vũ Luận, đến ông Phùng Xuân Nhạ, nay là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đương chức vẫn có chung một câu trả lời là “do nội dung môn sử thường sa vào các mốc thời gian, địa điểm và số liệu khô khan buộc học sinh phải nhớ nên khó học; do phương pháp giảng dạy của các thầy cô chưa đổi mới... và do tâm lý học sinh chưa chú trọng môn sử”. Vậy nếu các nguyên nhân trên là đúng thì tại sao đã trải qua hơn ba nhiệm kỳ Quốc hội mà ngành giáo dục vẫn chưa có giải pháp, biện pháp khắc phục, chưa thể tạo ra sự chuyển biến về việc học tập lịch sử của học sinh? Phải chăng do khả năng và trình độ của ngành giáo dục nước nhà không tìm ra cách khắc phục có hiệu quả, hay là do nguyên nhân nêu ra chưa đúng, chưa chỉ rõ được nguyên nhân chủ yếu? Dẫn đến những yếu kém này kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.
       
Theo tôi nó thuộc về vế thứ hai, chính là những người lãnh đạo ngành giáo dục chưa chỉ ra được nguyên nhân chính, chủ yếu của những hạn chế nêu trên. Vậy nguyên nhân chính chủ yếu là gì?
       
Trước hết tôi không bác bỏ các nguyên nhân mà Bộ trưởng đã nêu ra (do nội dung bài học nặng về số liệu, mốc thời gian, địa điểm...; do phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo... ; do tâm lý học sinh...) song theo tôi đó chưa phải là nguyên nhân chủ yếu mà chỉ là những nguyên nhân thứ yếu; quan trọng chủ yếu chính là hai nguyên nhân sau đây:
Một là, ngành giáo dục chưa đánh giá đúng vị trí của môn sử học, chưa nhận thức rõ vai trò có ý nghĩa quyết định của môn lịch sử trong xây dựng lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, một yếu tố quyết định đến sức mạnh của tiềm lực chính trị tinh thần của một dân tộc, một nội lực tiềm tàng mà một khi được khai thác, phát huy nó sẽ làm nên những thành công có lúc ngoài cả sức tưởng tượng bình thường, điều này đã được khẳng định trong lịch sử và thực tiễn của đất nước trong thời kỳ qua. 

Từ đó, chưa xem môn lịch sử là một môn học bắt buộc, và là một môn thi chính trong từng cấp học và cả toàn bộ giai đoạn giáo dục phổ thông. Thậm chí có lúc ngành giáo dục còn xem nhẹ đến mức đề xuất tích hợp môn lịch sử vào cùng môn giáo dục công dân, môn đạo đức học... tôi có thể khẳng định rất ít quốc gia nào xem nhẹ môn lịch sử như ở nước ta và với cách nhìn nhận như vậy thì hệ quả tất yếu là môn sử mãi sẽ là một trong những môn có chất lượng học tập kém nhất của học sinh.
   
Hai là, nội dung giáo dục lịch sử không phải là khô khan chỉ số liệu, mốc thời gian, địa điểm... nếu không có mốc thời gian, địa điểm, không có số liệu thì còn gì là môn sử; bởi vì khi nói đến lịch sử là nói đến thời gian, địa điểm, con người, sự kiện, kết quả và thông qua đó rút ra cho người học ý nghĩa để bồi dưỡng lòng yêu nước, thương nòi, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Nhưng ở đây, chính nội dung lịch sử trong sách giáo khoa gần hai chục năm qua đã có nhiều nội dung bị xuyên tạc và bóp méo, làm cho người dạy cũng cảm thấy không chính sử, không đúng sự thật, thậm chí là đảo ngược sự thật và hậu quả là giữa sách giáo khoa mà thầy cô dạy cho học sinh có những vấn đề trái với truyền thống và nhận thức lịch sử của đa số nhân dân. Điều này làm cho tâm lý người dạy và người học đều bị phân tâm, mà một khi lên lớp cả chủ thể và khách thể đều bị phân tâm thì làm sao tập trung dạy và học tốt được. 

Ví dụ: Trong khi chúng ta nói Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, ai làm tay sai cho giặc đều có tội với nhân dân. Thế nhưng một kẻ cả cuộc đời cúc cung phục vụ cho thực dân Pháp như Trương Vĩnh Ký lại là người yêu nước, là nhà bác học nổi tiếng, là danh nhân văn hoá của dân tộc, hay như khi nói về lòng yêu nước thì có nhiều cách yêu nước khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về lợi ích và mục tiêu… từ đó Phan Thanh Giãn, Nguyễn Ánh cũng… yêu nước. 

Vậy thì yêu nước như thế nào là đúng, tại sao kẻ làm tay sai cho giặc là yêu nước trong khi sử đề cao câu nói của vua Lê Thánh Tông “nếu các ngươi cắt một tấc đất cho giặc thì phạm tội tru di“ thì Phan Thanh Giản cắt 1/4 giang sơn cho giặc lại là người yêu nước... hay là khi nói về Lê Văn Tám, ngọn đuốc thiêng, biểu tượng của lòng yêu nước Việt Nam thì người đứng đầu ngành sử học Việt Nam lại cho rằng đây là câu chuyện tự đặt ra để tuyên truyền...
      
Như vậy cần phải nhận thức đúng đắn việc tập trung khắc phục mặt yếu kém của việc học lịch sử, chính là khắc phục mặt yếu kém trong giáo dục truyền thống, văn hoá dân tộc, trong xây dựng lòng yêu nước, củng cố tiềm lực chính trị tinh thần của dân tộc. Có nhận thức đúng như vậy thì ngành giáo dục, mà trực tiếp là Bộ Giáo dục đào tạo mới xác định đúng vai trò, vị trí của môn lịch sử, phải đưa môn lịch sử là một trong những môn học chính và thi ở các cấp học, chỉ có như vậy học sinh mới quan tâm đến môn lịch sử, ngành sư phạm mới quan tâm đào tạo nên một đội ngũ những thầy cô giáo giảng dạy lịch sử tâm huyết và có trách nhiệm không chỉ với học sinh mà còn là trách nhiệm với Dân tộc. 

Đồng thời phải chấn chỉnh việc biên soạn sách giáo khoa, đừng để một số người đã và đang lợi dụng cải cách, biên soạn sách lịch sử lồng ghép nội dung bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận và đánh tráo lịch sử, không thể để những chuyện hoang đường như ngọn đuốc sống Lê Văn Tám là không có thật; kẻ cõng rắn cắn gà nhà, rước voi dày mả tổ Nguyễn Ánh thành người có công; hay như kẻ đã cắt gần 1/4 giang sơn cho giặc Phan Thanh Giản lại thành người yêu nước, thương dân; kẻ cả đời làm tay sai cho giặc Trương Vĩnh Ký trở thành danh nhân đất nước v...v... chỉ khi nào sách sử và bia miệng truyền đời thống nhất với nhau thì lúc đó cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ thầy, cô giáo dạy sử chắc chắn chúng ta sẽ khắc phục được việc khô sử, nhạt sử và dốt sử như hiện nay.
       
Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã khẳng định “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam“ thiết nghĩ không phải ngẫu nhiên mà Bác dặn dò như vậy. 

Một Dân tộc mà mỗi con dân lại không hiểu biết đầy đủ lịch sử nước nhà thì làm sao có lòng yêu nước, làm sao có niềm tự hào, tự tôn dân tộc, và một khi thiếu cái gốc cơ bản đó thì sẽ nẩy sinh tư tưởng tự ti, tự nhục, nhược tiểu đớn hèn, vọng ngoại..., và ngày nay chúng ta đã và đang trả giá cho việc xem thường môn học lịch sử. Một cảnh báo mà Quốc hội cần phải có quyết sách kịp thời để khắc phục khi còn chưa muộn./.
Ảnh: Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Bộ Quốc phòng.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét