Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Giá trị của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân.


Sự phát triển của xã hội và xu thế thời đại làm thay đổi phạm vi, tính chất các mối quan hệ của con người và đặt ra yêu cầu mới về đạo đức xã hội. Thực tế cho thấy khi chế độ phong kiến đã lỗi thời, lạc hậu, nhà vua không còn bảo đảm được quyền con người và quyền dân tộc chân chính, đất nước mất độc lập, nhân dân trở thành nô lệ cho ngoại bang thì chuẩn mực trung, hiếu trong xã hội cần có sự phát triển mới. Trước thực tế đó, trong quá trình tìm đường cứu nước, khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo học thuyết cách mạng, khoa học đó vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong đó có tư tưởng về đạo đức. Nhận rõ xu thế thời đại và vai trò to lớn của đạo đức xã hội, Hồ Chí Minh đã bổ xung vào chuẩn mực đạo đức trung, hiếu của dân tộc những nội dung và yêu cầu mới, góp phần nâng đạo đức truyền thống lên thành đạo đức cách mạng và làm phong phú thêm đạo đức học Mác - Lênin.

Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân là một cặp phạm trù cơ bản, luôn đi liền với nhau không thể tách rời, chúng là tiền đề, điều kiện của nhau, bổ sung cho nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Thực tế cho thấy, trung với nước, hiếu với dân là chuẩn mực đạo đức nền tảng quy định các chuẩn mực đạo đức khác. Bởi vì, nước là của dân, do dân và vì dân, nếu không trung với nước thì vi phạm vào chữ hiếu với dân và nếu không hiếu với dân thì mọi chuẩn mực đạo đức khác không còn giá trị xã hội mà chỉ còn có giá trị cá nhân hoặc nhóm lợi ích.

Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân không chỉ là lẽ sống của Hồ Chí Minh mà đã trở thành chuẩn mực đạo đức có tính chân lý, là tiêu chuẩn để Đảng ta xây dựng đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Chuẩn mực đạo đức đó đã thấm vào các thế hệ đảng viên cộng sản, trở thành triết lý hành động của người cách mạng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đúc kết: "Học Hồ Chủ tịch chúng ta học gì? học trung với nước hiếu với dân. Suốt đời Hồ Chủ tịch dạy chúng ta câu ấy và còn dạy mãi chúng ta câu ấy, không biết bao giờ xong. Về phần chúng ta, lâu nay chúng ta đã học câu ấy, từ nay về sau còn học mãi câu ấy, không biết bao giờ xong. Bởi vì ngày nào nước Việt Nam còn, dân Việt Nam còn thì chúng ta còn học tận trung với nước chí hiếu với dân. Trung với nước, hiếu với dân là gốc của cả đời hoạt động của chúng ta. Gốc vững thì thân mới vững, cành lá tốt tươi, hoa quả xinh đẹp. Học trung với nước, hiếu với dân là học làm cho nước độc lập và phú cường, dân tự do và hạnh phúc. Làm cho nước độc lập và phú cường cốt làm cho dân tự do và hạnh phúc. Và dân có tự do hạnh phúc thì nước mới thật độc lập và phú cường. Ngày nay, nước là dân, dân là nước. Hồ Chủ tịch đã dày công phu dạy chúng ta cái ấy, cho nên quyết không có sức mạnh nào và mánh khóe gì có thể làm cho chúng ta sai đường lạc lối".

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trung với nước, trung với Đảng là trung thành với con đường cách mạng vô sản, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; trung thành với cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng; kiên quyết đấu tranh với các phần tử thoái hóa, biến chất trong Đảng và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để bảo vệ Đảng và góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét