Xuất phát từ bối cảnh lịch sử mới, V.I. Lênin đã bổ sung, hoàn thiện và phát triển sáng tạo những tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen về xây dựng chính đảng độc lập của giai cấp công nhân; nâng tầm cao uy tín, vị thế của những tư tưởng đó thành học thuyết khoa học, cách mạng về xây dựng Đảng Mác xít kiểu mới với tư cách là Đảng Cộng sản cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Nghiên cứu, kế thừa và vận dụng sáng tạo học thuyết Lênin có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam, giúp Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một Đảng cầm quyền, luôn là “đạo đức”, là “văn minh”.
Bảo vệ và kế thừa di sản lý luận của C. Mác và Ph. Ăngghen về xây dựng chính đảng độc lập của giai cấp vô sản, V.I. Lênin - lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân đã kiên trì cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với mưu đồ thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phá hoại nền tảng tư tưởng của phong trào công nhân thế giới. Với bản lĩnh và trí tuệ uyên bác, V.I. Lênin đã bổ sung, phát triển toàn diện ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, làm cho nó phù hợp với điều kiện nước Nga cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; bổ sung sức sống mới cho hệ thống quan điểm, tư tưởng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, xây dựng thành học thuyết khoa học, cách mạng về đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việc vũ trang lý luận khoa học, cách mạng cho giai cấp vô sản đã giúp Ông và Đảng Bônsêvích sáng lập Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga, một chính đảng vô sản kiểu mới - tiền thân của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đây là “một đảng triệt để cách mạng và thật sự cộng sản”, khác với tất cả các đảng chính trị kiểu cũ, các trào lưu, phe phái ở châu Âu đã theo đuôi “chủ nghĩa xã hội chân chính”, “chủ nghĩa cải lương”.
Theo V.I. Lênin, vai trò cầm quyền lãnh đạo của Đảng Mác xít kiểu mới của giai cấp công nhân và dân tộc Nga là điều kiện cơ bản hàng đầu, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cuộc đấu tranh cách mạng, thực hiện khát vọng giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công. Khác với các đảng chính trị đương thời - những tổ chức kiểu câu lạc bộ, hoạt động không theo nguyên tắc mác xít, không có quan hệ ràng buộc về mặt tổ chức, kỷ luật; xa rời quần chúng và quản lý đảng viên theo kiểu “phường hội”, “thỏa hiệp”, đảng mácxít kiểu mới phải là đội tiên phong chính trị chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân, được vũ trang bằng lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác; có ý thức giác ngộ chính trị sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của giai cấp công nhân; tự giác đấu tranh thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.
V.I. Lênin cho rằng, Đảng Cộng sản là lương tâm, trí tuệ, danh dự, trách nhiệm và là niềm tự hào của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động, có trách nhiệm đưa lý luận của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn phong trào công nhân, trực tiếp định hướng chính trị và tổ chức giáo dục giai cấp công nhân và quần chúng thực hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình là đấu tranh xóa bỏ mọi xiềng xích, áp bức, bóc lột, bất công; đem lại cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân loại. Vì lẽ đó, mỗi đảng viên cộng sản phải ý thức đầy đủ, sâu sắc và rõ ràng về vị trí, vai trò, trách nhiệm chính trị, sự nêu gương của mình trước giai cấp và không được lẫn lộn trách nhiệm đảng viên Đảng Cộng sản với toàn bộ giai cấp hoặc đồng nhất Đảng Cộng sản là giai cấp công nhân. Người căn dặn “Không được lẫn lộn đảng, tức là đội tiền phong của giai cấp công nhân với toàn bộ giai cấp”1.
V.I. Lênin khẳng định: “Chỉ có Đảng Cộng sản, nếu nó thực sự là đội tiền phong của giai cấp cách mạng, nếu nó bao gồm những đại biểu ưu tú nhất của giai cấp đó, nếu nó gồm tất cả những chiến sĩ cộng sản hoàn toàn có ý thức và trung thành, có học vấn và được tôi luyện bằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng bền bỉ, nếu nó biết gắn liền với toàn bộ cuộc sống của giai cấp mình và thông qua giai cấp đó, gắn liền với tất cả quần chúng bị bóc lột và biết làm giai cấp và quần chúng đó tin tưởng hoàn toàn vào mình - chỉ có một đảng như vậy mới có thể lãnh đạo được giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh cuối cùng, kiên quyết nhất, thẳng tay nhất chống lại tất cả mọi thế lực của giai cấp tư sản”2.
V.I. Lênin nhấn mạnh, một Đảng Cộng sản thực sự cách mạng sẽ trở thành nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nếu từng đảng viên của Đảng thấm nhuần sâu sắc và giác ngộ triệt để mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, tự nguyện phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng vì mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giúp họ thoát khỏi mọi xiềng xích, “sự tha hóa”, đói nghèo và bất công. Khát vọng ấy chỉ có thể thực hiện thành công khi trong Đảng, sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ thật sự sáng rõ, minh bạch và nhất quán. Điều đó đặt ra như một yêu cầu khách quan về lẽ sống, “là mệnh lệnh của trái tim”, liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ; đòi hỏi Đảng phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc tổ chức, biết dựa vào “một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”3. Đó là phương cách hữu dụng nhất bảo đảm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, có uy tín, vị thế, sức chiến đấu cao, bền bỉ, dẻo dai, hoạt động hiệu quả; là nơi hội tụ, kết tinh, khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại của Đảng, giai cấp, đủ sức “dời non lấp biển”, thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình.
Đề cao vai trò nguyên tắc tập trung dân chủ của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, V.I. Lênin đã bổ sung, phát triển toàn diện nguyên tắc đó và khẳng định tập trung dân chủ không chỉ là nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng Mác xít kiểu mới, mà còn là nguyên tắc quản lý nhà nước, tổ chức cộng đồng, chỉ đạo các hoạt động văn hóa của Đảng. Thực chất của nguyên tắc này là kết hợp chặt chẽ giữa chế độ tập trung với chế độ dân chủ triệt để của giai cấp công nhân, bắt nguồn từ những đòi hỏi khách quan của nền sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học, công nghệ hiện đại. Nhờ đó, nó loại bỏ các khuynh hướng vô chính phủ, sự thiếu thống nhất về lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức, bộ phận, cá nhân với mưu đồ gây rối, phá hoại sự thống nhất trong đảng; đồng thời, loại bỏ khuynh hướng độc đoán, chuyên quyền, cục bộ, mà một số lãnh tụ của các đảng chính trị khác thường mắc phải.
Theo V.I. Lênin, nguyên tắc tập trung dân chủ không phải là sự tự phát, những biểu hiện ngẫu hứng, cảm tính, cứng nhắc, đơn độc của một cá nhân lãnh tụ, một nhóm người đầy thiên kiến, hẹp hòi, mà là một quá trình lao động trí tuệ, một sự gạn lọc, chắt chiu từ những gì là tinh túy nhất, một sự sáng tạo vĩ đại, sâu sắc nhất để dân chủ trở thành sức mạnh cải tạo thực tiễn, thực hiện tiến bộ xã hội. Người chỉ rõ, nếu không có chế độ tập trung dân chủ thì Đảng Cộng sản không thể trở thành đội tiền phong chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân và Đảng khó tránh khỏi bị chia rẽ, phân tán, mang tính cục bộ; thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, suy đồi về đạo đức và tha hóa về lối sống. Đồng thời, cho rằng, ai đó tự thừa nhận mình là đảng viên cộng sản mà lại phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ, nghĩa là họ phủ nhận tính tổ chức và kỷ luật của Đảng, thì người ấy đã rơi vào chủ nghĩa cơ hội, xét lại; tự biến Đảng Cộng sản thành “câu lạc bộ tranh luận” và như thế, người đó không đủ tư cách đứng trong đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân.
Rõ ràng là, nếu phá vỡ nguyên tắc tập trung dân chủ thì tính chất và bản chất của Đảng Cộng sản bị tổn thương nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ tan rã, mất sức chiến đấu và đương nhiên không đủ năng lực vạch ra cương lĩnh hành động, không có sức mạnh nêu gương, giáo dục, thuyết phục quần chúng học tập, làm theo bằng trí tuệ, bản lĩnh, trái tim, khối ốc và bằng cả xương máu của mình để thực hiện thắng lợi cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng. Do đó, Đảng không đủ uy tín để lãnh đạo cách mạng; không được nhân dân tôn trọng, thừa nhận vai trò lãnh đạo, tôn vinh là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”; quần chúng mất niềm tin, sẽ không ủng hộ Đảng, không còn dành cho Đảng sự tin yêu, đồng tình, ủng hộ; thậm chí nghi ngờ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng; quay lưng lại với Đảng. Điều đó dẫn đến hệ quả là Đảng mất phương hướng chính trị, rơi vào chủ nghĩa cơ hội, xét lại và đương nhiên, Đảng Cộng sản biến thành “câu lạc bộ tranh luận”; mất chỗ đứng trong lòng giai cấp, dân tộc và nhân dân.
V.I. Lênin cho rằng rơi vào hoàn cảnh ấy, quần chúng sẽ nhận ra sự thật là họ bị lừa dối, phản bội, đã nhầm lẫn khi trao gửi niềm tin, sự kỳ vọng vào Đảng, niềm tin của họ đã bị đặt nhầm chỗ, sai địa chỉ. Đó là một tổn thất lớn đối với Đảng và nó không thể cứu vãn tình hình khi căn bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu “lây nhiễm” vào trong nội bộ Đảng, biến Đảng thành “bộ phận theo đuôi quần chúng”. Chính vì vậy, V.I. Lênin dạy rằng, vấn đề then chốt của then chốt, sống còn của công tác xây dựng Đảng Mác xít kiểu mới của giai cấp công nhân là xây dựng cho được sự đoàn kết, nhất trí; sự trong sạch, vững mạnh của Đảng; hết sức quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc mối liên hệ “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là điều kiện cơ bản hàng đầu để tạo ra sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng. V.I. Lênin coi sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cội nguồn sức mạnh để chiến thắng giặc nội xâm và ngoại xâm. Vì vậy, trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng cũng phải đặc biệt quan tâm chăm lo công tác phê bình và tự phê bình vì đây là biện pháp “khó khăn” nhất, phức tạp nhất nhưng hữu dụng nhất” vì nó có “phép màu nhiệm” để nâng tầm cao uy tín, vị thế của Đảng; quy tụ, tập hợp và phát huy vai trò, sức mạnh của Đảng; là biện pháp “hết sức cần thiết” để nâng cao trí tuệ, bản lĩnh và phong cách lãnh đạo của Đảng, Người viết: “… Công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy - đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc…”4.
Khẳng định đoàn kết, thống nhất về lập trường, tư tưởng, đạo đức, lối sống là cội nguồn sức mạnh của Đảng, V.I. Lênin chỉ rõ, “nếu không có cái cơ sở tư tưởng chung thì không thể có vấn đề thống nhất”5. Theo Người, cơ sở tư tưởng chung của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng chính là cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, tức là lý luận phải gắn liền với thực tiễn, lời nói phải đi đôi với việc làm; đảng viên phải luôn đề cao sự nêu gương, làm mẫu trước quần chúng để họ nhìn vào đó mà học tập, làm theo, noi theo.
V.I. Lênin cảnh báo và phê phán “căn bệnh công thần”, “kiêu ngạo cộng sản” vì nó là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, phá hoại thành quả cách mạng, nhất là “bệnh” chủ quan duy ý chí, cơ hội, hối lộ, tham nhũng, quan liêu, xa dân, v.v.. Vì vậy, ông luôn yêu cầu Đảng phải “rửa sạch, tẩy sạch” các căn bệnh ấy, kiên quyết đưa ra khỏi đảng những phần tử thoái hóa, biến chất, những người “đội lốt” đảng viên để chống Đảng, phá Đảng từ bên trong. Bởi vì, nếu trong Đảng có những kẻ cơ hội hoặc công khai, hoặc “ngấm ngầm” phá Đảng thì sớm hay muộn, Đảng sẽ “không thể tránh khỏi sự tan rã”. Cho nên, để Đảng không bị chia rẽ, biến thành bè phái, hội, nhóm lợi ích, nhất thiết Đảng phải “rửa mặt hằng ngày”, thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ, giữ cho Đảng “trong ấm ngoài êm”, thật sự trong sạch, vững mạnh; mỗi đảng viên của Đảng phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, tư cách người cách mạng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Cùng với việc thẳng tay đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên Đảng Cộng sản, V.I. Lênin còn yêu cầu Đảng phải đẩy mạnh công tác giáo dục, thuyết phục, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, lấy việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên làm “cốt”; giúp họ tự ý thức về việc nâng cao uy tín, vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng trước nhân dân, nhất là những người giữ chức vụ cao nhất trong bộ máy của Đảng, Nhà nước.
Tư tưởng gần dân, quan tâm đến dân, sống trong lòng nhân dân, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên trong xem xét, phát hiện, nhận diện cái tốt, cái xấu để bảo vệ Đảng, đóng góp ý kiến, đề xuất biện pháp giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên khi họ mắc sai lầm, khuyết điểm, cũng như giới thiệu cho Đảng những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp vào đội ngũ của mình là một trong những cống hiến vĩ đại của V.I. Lênin về xây dựng Đảng mác xít kiểu mới. Đây là công việc hệ trọng, rất cần thiết, giúp cho Đảng làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình. V.I. Lênin dạy rằng: Một trong những điều tối kỵ nhất là Đảng tuyệt đối không được để những phần tử cơ hội, xét lại chui vào Đảng, “những phần tử xấu, những cặn bã của chủ nghĩa tư bản cũ len lỏi vào trong đảng chân chính”6.
V.I. Lênin nhắc nhở chúng ta rằng, sai lầm về đường lối chính trị của người đảng viên là rất nghiêm trọng, nhất là “người giữ chức trọng quyền cao”; phải coi đó là sự tổn thất to lớn của Đảng, nhưng nghiêm trọng hơn, tổn thất nặng nề hơn không chỉ gây hại cho Đảng, mà cho cả giai cấp công nhân và nhân dân lao động là sự sai lầm về đường lối chính trị của một Đảng Cộng sản cầm quyền, nhất là sai lầm về đường lối, quyết sách chính trị của lãnh đạo tối cao. Bởi vì, toàn bộ sự nghiệp của Đảng, trước hết phụ thuộc vào sự đúng đắn của đường lối chính trị do Đảng khởi thảo và lãnh đạo. Do đó, Đảng phải hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác, đề phòng nguy cơ “chệch hướng”, sai lầm về đường lối chính trị và nguy cơ mất đoàn kết trong nội bộ Đảng; có cán bộ, đảng viên “phản bội Đảng”, thoái hóa, biến chất, tham nhũng, quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân, “nói một đằng, làm một nẻo”, v.v. Phải khẳng định rằng, sai lầm về đường lối chính trị là một sự nguy hiểm, chính xác hơn là cực kỳ nguy hiểm, nếu Đảng Cộng sản cầm quyền ở một số nước mà giai cấp công nhân chiếm tỷ lệ nhỏ trong dân cư. Cho nên, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, công tác xây dựng Đảng phải đặc biệt chú trọng làm tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ đảng viên của Đảng, nhất là lựa chọn những cán bộ thực đức, thực tài, giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy Đảng; phải rà soát kỹ lưỡng, nghiêm túc về phẩm chất và năng lực, cũng như giao cho cán bộ những công việc khó khăn để rèn luyện, thử thách, kiểm chứng tài, đức, sự trung thành và gắn bó của cán bộ với quần chúng nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Mặt khác, V.I. Lênin đề nghị phải “trí tuệ hóa” Đảng, nhất là trí tuệ hóa đội ngũ cán bộ cốt cán, những đảng viên trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm về tổ chức, quản lý công tác xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bởi lẽ, có được cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn là một trong những phương sách tốt để nâng cao vai trò, uy tín, vị thế của Đảng Cộng sản, nhưng nếu trong Đảng chỉ có nhiều người nhiệt tình cách mạng nhưng lại thiếu tri thức khoa học, trình độ văn hóa thấp thì đó là một nguy cơ làm suy yếu Đảng từ bên trong. Vì vậy, trong công tác cán bộ, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt của Đảng phải thận trọng, chắc chắn từ nghiên cứu, đến sử dụng con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh chính trị thật sự kiên định, vững vàng, có tri thức khoa học, có trình độ văn hóa…; tức là những người có đủ đức, có đủ tài, có tâm, tầm, tuệ để giao những trọng trách đặc biệt quan trọng mà Đảng và nhân dân tin cậy, ủy phác, giao phó.
Nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; suy ngẫm về những điều V.I. Lênin căn dặn chúng ta về xây dựng Đảng Mác xít kiểu mới của giai cấp công nhân với tư cách là một đảng cầm quyền lãnh đạo cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cần quán triệt sâu sắc giá trị, ý nghĩa của học thuyết Lênin về xây dựng Đảng Mác xít kiểu mới, kế thừa, học tập và vận dụng sáng tạo những di huấn vĩ đại của V.I. Lênin trong xây dựng, chính đốn Đảng ta hiện nay. Đó không chỉ là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu đối với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam mà còn là chiếc “cẩm nang thần kỳ”, một giải pháp hiệu quả giúp chúng ta vững vàng trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, luôn xứng đáng là một đảng “đạo đức”, “văn minh”; là nhân tố cầm quyền lãnh đạo đóng vai trò quyết định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét