- Ngày 29-4-1975, Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng. Quân chủng
Hải quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa lúc 9 giờ ngày 29-4-1975, đây là
nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chiến công này khẳng định sự chỉ đạo
sáng suốt, chính xác, kịp thời của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư
lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công trên hướng biển trong cuộc Tổng
tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
- Ngày 29-4-1966, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn Ra-đa
293 với nhiệm vụ là “tai, mắt” dẫn đường cho Không quân ta chiến đấu, cảnh giới
vùng trời, bảo đảm ra-đa cho các lực lượng đánh máy bay địch. Chỉ sau hơn 2
tháng huấn luyện, ngày 10-7-1966, trung đoàn đã bắt đầu phát sóng ra-đa cảnh
giới vùng trời phía Bắc của Tổ quốc; ngày 19-7-1966, đơn vị đã lập chiến công
đầu khi dẫn đường cho biên đội máy bay Mig-17 cất cánh từ Nội Bài bắn rơi 1 máy
bay F105 của không quân Mỹ. Để thể hiện tinh thần, quyết tâm đánh giặc, lãnh
đạo trung đoàn đã đề nghị cấp trên đặt tên cho đơn vị là “Đoàn Phù Đổng”. Trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Phù Đổng đã phát
hiện gần 52.400 tốp máy bay địch, trong đó có 251 tốp B-52; trực tiếp và tham gia
dẫn đường bổ trợ cho không quân đánh 614 trận, bắn rơi 173 máy bay địch. Đặc
biệt, trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, Trung
đoàn 293 cùng với các đơn vị bạn đã dũng cảm chiến đấu, phát hiện sớm máy bay
B-52, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 293 đã lập nhiều thành tích
đặc biệt xuất sắc, được tặng nhiều phần thưởng cao quý; đặc biệt, năm 2004, đơn
vị vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang
nhân dân...
- Ngày 29-4-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thǎm Đại hội thi đua Thành phố
Hà Nội. Người đã tặng huy hiệu cho 35 đại biểu có thành tích thi đua khá nhất.
- Ngày 29-4-1946, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh
thông báo việc được “Hội giúp Binh sĩ bị nạn” tại Huế mời ra làm Chủ tịch Danh
dự và các Bộ trưởng làm Hội viên Danh dự và đề nghị Chính phủ nên đáp lại bằng
việc ra thông tư cho các địa phương nên có hình thức tỏ lòng biết ơn đối với
các chiến sĩ. Hội đồng Chính phủ còn bàn đến vấn đề tha chính trị phạm, việc
thu hoạch vụ chiêm, chống phá rừng và đề nghị Chủ tịch nước ra lời kêu gọi công
nhân Việt Nam nhân ngày Quốc tế Lao động. Cùng ngày, Bác đã ký Sắc lệnh về ngày
1-5 nghỉ có lương đối với tất cả công nhân làm việc trong các doanh nghiệp công
và tư.
- Ngày 29-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến đồng bào cả nước sau
ngày cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế với lời đánh giá: “Cụ Huỳnh
là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ
không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không
thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được
tự do, nước được độc lập... Chúng ta thương tiếc cụ Huỳnh vô cùng. Nhưng chúng
ta không nên thương tiếc bằng cách than khóc rầu rĩ. Chúng ta thương tiếc cụ
bằng cách: càng đoàn kết chặt chẽ, càng hăng hái kháng chiến; bằng cách: theo
gương dũng cảm, nối chí quật cường của cụ; bằng cách: hoàn thành sự nghiệp cứu
nước, cứu dân mà cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời. Chúng ta phải đồng thanh thề
trước tiên linh của cụ Huỳnh rằng: Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên
quyết của cụ. Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ...”.
- Ngày 29-4-1952, với bút danh Đ.X, Bác viết bài “Bọn đế quốc đường cùng”
đăng trên Báo Cứu Quốc điểm lại các cuộc chiến đấu chống đế quốc trên thế giới
để đi đến nhận định: “Mấy năm trước đây, các ông đế quốc Mỹ, Anh, Pháp đều “thở
ra sét, hét ra lửa”, ai dám động đến. Song các dân tộc xưa kia chịu làm trâu
ngựa, nay đã hóa ra sư tử, hùm thiêng”.
- Ngày 29-4-1966, chiếc máy bay thứ 1.000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời
miền Bắc thuộc về chiến công của quân dân tỉnh Bắc Thái..../.
st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét