Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

BỘ GD&ĐT CẦN TIẾP TỤC CẦU THỊ, LẮNG NGHE DƯ LUẬN NHÂN DÂN!

     Sau khi đọc Thông cáo trên Cổng TTĐT của Bộ GD&ĐT, chúng tôi nhận thấy rằng:

1. Trong quá trình "dự thảo" Chương trình giáo dục THPT 2018 việc công bố rộng và lắng nghe dư luận Nhân dân của Bộ GD&ĐT là chưa thực sự cầu thị. Thay vì tuyên truyền rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì Bộ chỉ đăng lên Cổng thông tin điện tử của mình trong thời gian ngắn (Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: từ ngày 12/4/2017 đến ngày 20/5/2017. Dự thảo chương trình các môn học: từ ngày 19/01/2018 đến ngày 19/3/2018). Tại sao dư luận mấy ngày gần đây lại phản ứng gay gắt, vì họ bị bất ngờ, "ngã ngửa" khi VTV thông tin môn Lịch sử ở trong nhóm "tự chọn" từ năm học 2022 - 2023. Dù vì bất kỳ lý do gì, việc để Nhân dân "bất ngờ" trước thông tin này chứng tỏ công tác tuyên truyền nói chung và trách nhiệm thông tin, việc lắng nghe dư luận Nhân dân của Bộ GD&ĐT nói riêng là chưa tốt.

2. Chúng tôi nhận thấy, chương trình dạy và học môn Lịch sử từ bậc tiểu học đến trung học (1-9) là quá nặng khi trẻ nhỏ phải thụ học cả lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ thời nguyên thủy đến hiện đại (hơn nữa lại còn tích hợp lịch sử và địa lý)! Ở lứa tuổi của học sinh lớp 1 (6 tuổi) đến lớp 9 (15 tuổi) học sinh còn quá nhỏ, chưa đủ năng lực để có thể nhận thức hết ý nghĩa của các sự kiện lịch sử, đặc biệt là lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thử hỏi rằng, mấy ai còn nhớ được, "thẩm thấu" được những kiến thức lịch sử từ năm 6,7,8.. tuổi (lứa tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi chơi)?

3. Giáo dục lịch sử nói riêng và truyền thống yêu nước nói chung là việc cần làm thường xuyên, liên tục, như đã đề cập, việc chỉ dạy từ lớp 1 đến lớp 9 là bắt buộc sau đó cấp 3 tự chọn, đại học thì chuyên ngành! Vậy thế hệ trẻ sẽ có một "khoảng trống, rỗng lịch sử" khiến không thể nhớ, không thể cảm thụ đầy đủ lịch sử, truyền thống của dân tộc được. Đây là một "lỗ hổng" nguy hiểm. Ở bậc học THPT, lứa tuổi quan trọng giúp định hình nhân cách, tư duy, xu hướng, quan điểm chính trị - Vậy mà học sinh lại không bị bắt buộc học môn Lịch sử thì quả là đáng lo ngại!

4. Dư luận Nhân dân đang phản ứng rất gay gắt, Nhân dân có lý do chính đáng để lo lắng cho tương lai của con em mình, tương lai của đất nước, dân tộc! Chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cầu thị, nghiên cứu, tiếp thu dư luận Nhân dân để có những điều chỉnh phù hợp, "thuận ý Đảng, hợp lòng dân"!
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét