Theo tiếng đồn về làm kinh tế giỏi, chúng tôi về xã X.
Đã nửa tiếng dần trôi...
Rồi bốn mươi lăm phút trôi vèo...
Đồng chí Bí thư Đảng ủy vẫn say sưa “trình diễn” bằng miệng, bằng tay vô cùng cao hứng về những thành tựu phát triển kinh tế “vượt bậc” của xã trong mấy năm qua, thậm chí xem ra không ít lần khoái trá. Nào thì những nhận định “tăng trưởng nhảy vọt”, “đột phá mạnh mẽ”, “tập trung dứt điểm”; nào thì những con số đẹp lung linh (như được đánh bóng), xúng xính, điểm tô, phụ họa..., khiến chúng tôi phải xin lỗi dùng máy ghi âm, vì không ghi chép kịp.
Và rồi tràn một tiếng đồng hồ...
Đồng chí ấy vẫn thăng hoa thăng hoa, tưởng như không ai cản nổi (và cũng không thể ngắt lời, vì lịch thiệp), nếu như không có tiếng “xoạch” vọng ra từ chiếc máy ghi âm báo hết pin, khiến đồng chí dừng lại. Tôi xin lỗi và hỏi nhẹ:
- Thưa đồng chí Bí thư, chúng tôi rất mừng và chia vui với những thành tích phát triển kinh tế của xã nhà, như đồng chí báo cáo. Xin đồng chí cho biết, cùng với sự phát triển như thế, thì xã nhà quan tâm tới vấn đề phát triển văn hóa ra sao?
Một phút lặng đi, có lẽ vì câu hỏi đột ngột lại ngoài vấn đề kinh tế, nhưng đồng chí Bí thư đằng hắng và như... lấy đà:
- Báo cáo các đồng chí, rất tốt ạ. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao liên tục phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Chúng tôi hết sức quan tâm đầu tư cho lĩnh vực vô cùng quan trọng này.
Tôi hỏi thử hai câu:
- Xã ta có bao nhiêu di tích văn hóa - lịch sử, vì tôi biết quê mình xưa nay vốn là đất học, lại là vùng quê cách mạng mà? Bảy thôn mình đều có sân thể thao, có nhà văn hóa, có đội văn nghệ chứ ạ?
Đồng chí ngập ngừng và gương mặt chợt đỏ lên như vừa nhấp rượu:
- Xin lỗi đồng chí, chúng tôi cũng chưa kịp thống kê, mà các thôn tắc trách quá, cũng chưa báo cáo thật kỹ.
Để chữa thẹn cho câu hỏi dường như đặt không đúng lúc cần hỏi, tôi đề nghị đồng chí cho phép về thắp hương Đền Cụ Trạng ở thôn Trung, cách trụ sở Đảng ủy xã chừng tám trăm mét. Quả tình, lòng tôi chưa hết trĩu nặng từ phòng làm việc, bước ra đường, chạm ngay phải đoạn nước ngập lênh láng, nồng nặc mùi hôi, từ làng nghề thải ra, khiến cho đoàn người đưa ma và chúng tôi phải loay hoay tìm lối tránh. Vượt qua một đống rác thải đủ loại to chình ình gần bằng đống rạ, đồng chí Bí thư vẫn hồn nhiên:
- Đám ma cụ Trung, người giàu nhất thôn Hạ đấy, anh ạ.
Tôi chưa kịp đáp lời, thì những tiếng xầm xì của mấy cụ già đưa đám vọng lại, tưởng như làm trùng cả ngọn gió mùa đông bắc:
- Giàu có thế mà làm gì! Chết mà con cháu chả đứa nào muốn khênh, đâm ra phải đi thuê mấy đứa cửu vạn khênh ra đồng đới!
Gió thốc càng lạnh. Nhưng dường như lòng tôi còn tê tái, se sắt lại hơn, vì buồn!
Và càng se sắt lạnh và trĩu nặng hơn, vì cứ tưởng rằng khi kinh tế xã phát triển thì dân trí, văn hóa cũng phát triển theo; khi xã đã giàu lên, không còn hộ đói nghèo, thì sự kém văn hóa sẽ mất đi cùng với sự nghèo đói!
Đồng chí Bí thư chợt lặng người đi, và nắm chặt lấy tay tôi, như đang nói lời xin lỗi. Tôi hiểu và thầm chúc cho đồng chí và xã X. sẽ đi lên vững chãi, nhưng không phải bằng đôi chân khập khiễng, một ngắn, một dài! Và tôi tin điều đó sẽ thành sự thật, qua hơi nồng ấm, khẽ run run tỏa ra từ bàn tay đồng chí mỗi lúc một nắm chặt lấy tay tôi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét