Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Lợi dụng phòng, chống tham nhũng để xuyên tạc chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở việt nam

 Tham nhũng là một vấn nạn của xã hội, bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều có vấn nạn này. Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận diện là một trong bốn nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; công tác phòng, chống tham nhũng được xác định là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp.

Tuy nhiên, không thể lợi dụng vấn đề phòng, chống tham nhũng để xuyên tạc, nói xấu Đảng với mục đích cuối cùng là xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam, như lời trong bài viết: Đảng CSVN có thực tâm chống tham nhũng? trên trang Viettan.org

Thứ nhất, khi nói về tham nhũng, V.I.Lênin từng khẳng định: “tham nhũng gắn bó hữu cơ với sự tồn tại và phát triển của bộ máy nhà nước và quyền lực công…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng chỉ rõ ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu là những “thứ giặc nội xâm” bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân mà ra.

Ngay trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định “Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Quan điểm trước sau như một của Đảng ta là sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, không có “vùng cấm”. Không phải đến bây giờ Đảng ta mới nghiêm minh như thế mà đó là xuyên suốt, nhất quán. Thực tế cho thấy những cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng dù ở bất cứ cương vị nào, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng… đều bị xử lý nghiêm theo điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước.

Rõ ràng, tham nhũng và chống tham nhũng là vấn đề quan tâm của mọi quốc gia. Điều quan trọng là quốc gia đó có đủ quyết tâm, có đủ kiên trì để hạn chế, tiến tới xóa bỏ nạn quan liêu, tham nhũng hay không mà thôi!

Thứ hai, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong bối cảnh phần lớn các nước dù cố gắng, nhưng ít có tiến bộ trong việc giảm thiểu vấn nạn tham nhũng.

Quyết tâm và bước ngoặt lớn nhất trong công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, do Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.

Về mặt thể chế, Đảng xác định giải pháp phòng, chống tham nhũng phải toàn diện, đồng bộ trong mọi mặt đời sống xã hội, từ hoạt động của các tổ chức Đảng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và người dân trong phòng, chống tham nhũng.

Về mặt tổ chức thực hiện, các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được củng cố về bộ máy tổ chức, phân định rõ ràng về chức trách, quyết liệt, chặt chẽ trong thực thi nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Vì thế, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về các giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng những năm vừa qua. Cụ thể, giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định: “Đây không chỉ là xử lý một nhóm các quan chức có sai phạm, mà còn giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống quản trị, pháp quyền”. Đồng quan điểm này, giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) cho rằng, rõ ràng là mọi chuyện đã có chuyển biến khi luật pháp phòng chống tham nhũng của Việt Nam nghiêm minh hơn. Hiện giới đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng Việt Nam đang quyết tâm đẩy mạnh chống tham nhũng, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, không còn nhũng nhiễu, hối lộ.

Tóm lại, những luận điệu mà bài viết đưa ra thực chất chỉ là lời lẽ dối trá, xuyên tạc nhằm hướng lái những người nhẹ dạ cả tin, đòi từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ bỏ con đường XHCN mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam hãy đề cao cảnh giác, tỉnh táo, quyết không mắc mưu và kiên quyết đấu tranh vạch trần dã tâm thâm độc, xảo quyệt của những kẻ phản động./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét