Sau khi bài “Vất cá rô, vồ săn sắt” đăng trên Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề Cơ sở, có người đã tìm đến tôi (qua bút danh) để cùng chia sẻ. Điều làm cho chính bản thân tác giả cũng ngạc nhiên đó là những dẫn chứng được bạn đọc cung cấp thêm. Nhiều, và nhiều lắm những “con cá rô” đã bị “vất” để kiếm những “con săn sắt” nhỏ vụn.
Đại thể là:
Một nhà báo, để có thể được đăng lên một tin bài nào đó thì tìm đến những cách viết giật gân, không cân nhắc kỹ lợi - hại, cái được đối với tác giả là một khoản nhuận bút dăm trăm ngàn, thì hậu quả có thể làm cho người dân mất hàng chục tỉ đồng. Đến lúc làm rõ được sự thật thì, ôi thôi “được vạ, má đã sưng”. Chẳng là, vụ ngộ nhận có nạn dịch viêm não Nhật Bản do một loài chim mang vi-rút đó và ăn quả vải chín, đã mươi năm về trước, và vì bài báo đó đã làm cho người trồng vải của một huyện miền núi... thiệt hại ngót vài chục tỉ đồng bởi không bán được vải.
Một nhà quản lý nọ đã đang tâm vứt con “cá rô” to bự để “lái khéo” cho nhà thầu nước ngoài thắng, được thực hiện dự án này nọ... mà có khi chỉ nhận một món tiền hối lộ “nhỏ” mấy trăm ngàn đô-la Mỹ (sau khi kiểm tra qua bankingonline thấy đã vào tài khoản bí mật ở nước ngoài). Hậu quả về thực hiện thầu thế nào, thì... “xem hồi sau sẽ rõ”. Hay như một vị quan chức đã từng nói trong vụ giao đất rừng, kể cả đầu nguồn, cho nước ngoài thuê lâu năm, rằng: “50 năm nữa, ai làm thì người đó quản lý”(!)
Trong công tác tổ chức, cán bộ, hậu quả thường là “vô hình” chứ không phải là hữu hình, thế nhưng “con cá rô” trong tay người quản lý có khi lại là cả một cỗ xe. Xe có thể “lộn nhào” trong gang tấc, mà phần lớn trường hợp tai nạn là do người lái ẩu hay trình độ kém. Trong khi đó người lựa chọn cán bộ, nếu chỉ vì những con cá săn sắt nhỏ, mà bỏ qua phẩm chất, tiêu chuẩn của cán bộ rồi để họ ngồi lên “vô-lăng” thì âu cũng là “vất con cá rô” đó thôi.
Bạn đọc còn quả quyết với tôi rằng, chẳng cần phải phương tiện, hay máy móc gì cho tinh vi, hãy cứ nhìn ở đâu, lúc nào “con cá rô bị vứt bỏ”, có chuyện sót, lọt lưới pháp luật đại loại “to như con voi mà chui qua được lỗ kim”, thì ở đó có chạy vạy, có xin - cho, có đút lót - hối lộ... và có chuyện “vồ con săn sắt”.
Trong lúc người nông dân, “một nắng, hai sương”, vắt tay lên trán đêm ngày tính chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì?” cho có lãi, thì có lẽ đã đến lúc người làm công ăn lương (do dân đóng thuế mà có) cũng phải nhận thức rõ hơn “vất cái gì, vồ cái gì” cho ích nước, lợi dân mới gọi là công bộc của dân thực sự, nếu không thì đại họa nhãn tiền./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét