Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

BÀ TƯỚNG VIỆT MINH

  

Lần đầu nghe danh xưng đặc biệt này, tôi không khỏi ngạc nhiên lẫn tò mò muốn tìm hiểu xem đó là ai. May mắn trong quá trình tác nghiệp, tôi được nhiều lần trò chuyện với nhà văn Nguyệt Tú, con gái của danh họa Nguyễn Phan Chánh, một trong số ít những người có nhiều hiểu biết về “bà tướng Việt Minh” Hà Thị Quế (1921-2012) từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.


Hà Thị Quế tên thật là Lương Thị Hồng, quê ở xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Bà nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa III, IV), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Năm 17 tuổi, bà đã làm Bí thư Hội Phụ nữ phản đế và Đoàn Thanh niên phản đế, rồi trở thành Bí thư Phụ nữ cứu quốc xã, sau đó được cử đi tham gia lớp học quân sự do Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức. Năm 1941, bà được kết nạp Đảng và được điều về tỉnh Thái Bình tham gia Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Thái Bình, phụ trách hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải, đồng thời lo cả phong trào cho tỉnh Nam Định. Nhưng mảnh đất mà danh xưng “bà tướng Việt Minh” lừng lẫy là khi bà về hoạt động tại tỉnh Bắc Giang, tham gia Ban cán sự Đảng bộ tỉnh, phụ trách quân sự hai huyện Yên Thế, Việt Yên và một phần huyện Lạng Giang. Đó là khoảng tháng 7-1944.


Khi ấy, ở Yên Thế có tên tri phủ rất ngông nghênh. Hắn lớn tiếng rằng sẽ dập tắt hoạt động của Việt Minh tại đây bằng những cuộc càn quét, bắt bớ đẫm máu. Trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Thị Quế xin ý kiến của các đồng chí trong Ban cán sự, mở cuộc trấn áp tên tri phủ này và tiêu diệt đồn Yên Thế. Sau khi tổ chức trinh sát kỹ địa hình, trận đánh được tiến hành dưới sự chỉ huy trực tiếp của nữ Tỉnh ủy viên Hà Thị Quế. Với 1 khẩu súng lục và 3 khẩu súng trường, còn lại là súng kíp, mã tấu và kiếm, ta phục kích ở 3 nơi chờ thời cơ hành động. Ngay khi tên tri phủ xuống xe đã bị lực lượng của ta bắn trúng đạn vào tay. Ta bắt luôn cả quân lính, sau đó lập tòa án nhân dân, trị tội tên tri phủ. Rồi đích thân Hà Thị Quế chỉ huy lực lượng tự vệ chiến đấu bao vây con đường chính của huyện, chiếm đồn Yên Thế. Huyền thoại “hai tay cầm hai súng, cưỡi ngựa cướp đồn Yên Thế” và danh xưng “bà tướng Việt Minh” có từ sau sự kiện này.


Năm 1948, Hội nghị phụ vận Bắc Bộ được tổ chức tại Võ Nhai (Thái Nguyên). Hà Thị Quế làm trưởng đoàn phụ vận Phú Thọ, Tuyên Quang. Dịp này, lần đầu tiên cô phóng viên trẻ Nguyệt Tú gặp “bà tướng Việt Minh”. “Trong trang phục quần đen, áo nâu, khăn mỏ quạ, chị vẫn mang dáng dấp của một phụ nữ nông thôn giản dị, hiền lành, chất phác chứ không như hình dung của tôi trước đây. Tôi vẫn cho rằng, người từng dẫn đầu đoàn người với vũ khí trong tay trừ gian, diệt ác phải rắn rỏi, mạnh mẽ và có phần nam tính”, nhà văn Nguyệt Tú nhớ lại.


Nhà văn Nguyệt Tú sau này mới biết chồng mình, đồng chí Lê Quang Đạo cùng quê với chồng của bà Hà Thị Quế ở huyện Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh, hai người khá thân thiết với nhau khi hoạt động cách mạng. Chính vì vậy, hai nàng dâu Đình Bảng cũng có thêm lý do để ngày càng quen thân hơn. Bà Hà Thị Quế đã kể với nhà văn Nguyệt Tú rằng mình từng cưỡi trâu vào rừng hay một mình bơi giữa đồng nước mênh mông về nhà lấy thuyền chèo đến trường đón các bạn học trong những ngày mưa tầm tã ở quê hương. Nguyệt Tú lại càng khâm phục hơn khi trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn ở Chiến khu Việt Bắc, năm 1950, tại Đại Từ (Thái Nguyên), trong vai trò là Trưởng ban tổ chức Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất-đại hội hợp nhất hai tổ chức là Đoàn Phụ nữ cứu quốc vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Hà Thị Quế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ về dự. Người đã chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự đại hội, bức ảnh do Nguyệt Tú chụp. Nhưng tiếc là sau mấy lần chuyển nhà, bức ảnh ấy của nhà văn Nguyệt Tú đã bị thất lạc. Nhà văn Nguyệt Tú kể: “Những năm đầu kháng chiến, bữa ăn hằng ngày chủ yếu là rau rừng. Thế mà không hiểu bằng cách nào, hội nghị năm đó chị Hà Thị Quế đã cùng đồng chí cán bộ tiếp tế đi bộ 3 ngày đêm từ Định Hóa (Thái Nguyên) lên tận Bắc Kạn, mua và dắt 10 con bò về để có thực phẩm tổ chức hội nghị”.


Sau này, bà Hà Thị Quế thay đồng chí Nguyễn Thị Thập làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhà văn Nguyệt Tú làm ở Báo Phụ nữ Việt Nam rồi Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Hai người vẫn có nhiều cơ hội gặp gỡ, làm việc chung. Cho đến tận bây giờ, khi đã ở tuổi ngoài 90, trong ký ức của nhà văn Nguyệt Tú, hình ảnh “bà tướng Việt Minh” Hà Thị Quế vẫn vẹn nguyên như thuở nào. “Đó là một người mẹ của 6 đứa con, đảm đang, tháo vát. Một cán bộ nữ vững vàng, xông xáo, luôn có cách khắc phục hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ”, nhà văn Nguyệt Tú nói.


QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét