Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

NẮM VỮNG NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ XÃ HỘI

 


Hiện nay đang có nhiều cách hiểu khác nhau về quản lý xã hội: Quản lý xã hội là những tác động có ý thức của con người vào xã hội nhằm sắp xếp và duy trì các phẩm chất đặc thù của xã hội, để đáp ứng sự tồn tại và phát triển của xã hội trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Quản lý xã hội là sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích của chủ thể quản lý xã hội lên xã hội và các khách thể có liên quan, nhằm duy trì và phát triển xã hội theo các đặc trưng và các mục tiêu mà các chủ thể quản lý đặt ra phù hợp với xu thế phát triển khách quan của lịch sử. Tổng hợp một số quan điểm như vừa nêu, có thể định nghĩa như sau: Quản lý xã hội là sự tác động có định hướng, có tổ chức của các chủ thể   nhà nước và xã hội đến các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm mục tiêu phát  triển xã hội hài hòa và bền vững.

Quản lý xã hội về bản chất là hoạt động quản lý, có chức năng định hướng, điều chỉnh các hành vi, hoạt động của các thành phần xã hội và toàn xã hội nhằm đảm bảo phát triển bao trùm, bền vững. Ngoại diên của khái niệm  quản lý xã hội nhỏ hơn so với phạm vi của quản lý nói chung. Nếu cả xã hội được chia ra thành 3 bộ phận: Bộ phận chính trị, bộ phận kinh tế và bộ phận xã hội, thì quản lý xã hội chủ yếu đề cập đến việc quản lý lĩnh vực xã hội của hoạt động xã hội. Chủ thể quản lý: Quản lý xã hội được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Một mặt, Nhà nước trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý theo thẩm quyền, chức năng của mình; mặt khác, kiến tạo môi trường, thể chế để các chủ thể khác (mà chủ yếu là các đoàn thể, các tổ chức xã hội khác nhau, các cá nhân và doanh nghiệp) chủ động tham gia quản lý xã hội. Các mối quan hệ quản lý giữa các cơ quan quản lý đa cấp, đa dạng có thể khác nhau trong các khu vực khác nhau.; Ví dụ, một tổ chức trong trường hợp này là chủ thể quản lý, nhưng trong trường hợp khác là đối tượng bị quản lý. Khách thể quản lý: là con người, cộng đồng, các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội, cấu trúc xã hội, chức năng xã hội. Phương tiện quản lý: Phương tiện cơ bản của hệ thống quản lý xã hội bao gồm các chuẩn mực xã hội, không chỉ là các chuẩn mực cứng như luật, lệ, quy định, chính sách mà còn cả các chuẩn mực mềm như đạo đức, giá trị. Đối với Đảng và Nhà nước thì pháp luật, quy định, chính sách là những phương tiện chính yếu của quản lý xã hội; tuy nhiên cũng không nên bỏ qua các chuẩn mực mềm. Mục đích và nhiệm vụ: Quản lý xã hội có rất nhiều mục tiêu và nhiệm vụ khác nhau, đó là: duy trì trật tự xã hội, điều chỉnh hành vi xã hội, thúc đẩy sự hài hòa xã hội và giải quyết các xung đột xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội, đối phó với rủi ro xã hội và làm giảm các mâu thuẫn xã hội, kiểm soát xung đột xã hội, làm cầu nối giữa các khác biệt xã hội.. .Trong số đó, giải quyêt xung đột xã hội và duy trì trật tự xã hội là mục tiêu và nhiệm vụ bao trùm của quản lý xã hội. Thiết chế xã hội trong quản lý xã hội: Chính trị, kinh tế, pháp luật, gia đình, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, truyền thông, dư luận xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét