Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

QUYẾT KHÔNG ĐỂ ĐỊCH CẮM CỜ LÊN THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ


Giữa năm 1972, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) được giao nhiệm vụ chốt giữ khu vực phía đông cầu Sắt, trường Bồ Đề, kết hợp với đơn vị bạn đánh bại các đợt tấn công của địch từ hướng tây nam vào Thành cổ Quảng Trị.
Từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 9-1972, suốt 81 ngày đêm, Thành cổ Quảng Trị không lúc nào ngớt tiếng bom đạn của kẻ thù. Hỏa lực của địch từ các hướng liên tục giội vào các trận địa phòng ngự của ta nhằm chi viện cho lính dù, lính thủy đánh bộ, lính biệt kích phản công tái chiếm Thành cổ.
Đặc biệt, dự kiến vào hạ tuần tháng 7-1972, Hội nghị Paris họp trở lại, bầu cử tổng thống Mỹ cũng sắp diễn ra. Do đó, Mỹ-ngụy rất muốn có một chiến thắng, dù là tượng trưng nhằm tăng sức nặng mặc cả trên bàn đàm phán. Chính vì thế, tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Vùng chiến thuật 1 (Quân đoàn 1) ngụy quân Sài Gòn ra lệnh cho Tiểu đoàn 5 thuộc sư đoàn dù bằng mọi giá phải cắm được lá cờ lên Thành cổ Quảng Trị trước ngày 10-7-1972. Nhưng trước lòng dũng cảm và ý chí quyết tâm của quân ta, địch không thực hiện được.
Theo kế hoạch, sáng 13-7, phiên họp ở Paris sẽ diễn ra. Nhằm khuếch trương trong phiên họp quan trọng này, ngày 12-7, địch chiếm được Tri Bưu ở phía đông bắc và chỉ còn cách quân ta khoảng nửa cây số. Tướng Ngô Quang Trưởng treo thưởng 5.000USD, những bông mai và thăng cấp cho người nào cắm được cờ lên Thành cổ trong đêm. Buổi tối hôm ấy, Tiểu đoàn 5 và các đơn vị nhận được chỉ thị của Bộ tư lệnh chiến dịch: “Không được để một tên địch nào lọt vào Thành cổ” và công điện của Quân ủy Trung ương: “... các đồng chí phải giữ Thành cổ bằng bất cứ giá nào”. Đêm 12-7, cả đơn vị không ai ngủ. Tiếng pháo nổ không ngớt, cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng không để kẻ địch đột nhập vào trong Thành cổ.
Mờ sáng 13-7, địch triển khai đội hình tiến công bằng pháo binh, bom dù có điều khiển khiến nhiều khu vực tan hoang, làm bộ đội ta bị thương vong với số lượng lớn, nhưng số còn lại vẫn quyết tâm bám trụ, không cho địch cắm cờ lên Thành cổ. Ngày 13-7, phiên họp ở Paris không diễn ra, phía Mỹ đề nghị đến ngày 18 hoặc 27-7 sẽ họp trở lại. Những ngày tiếp theo, địch huy động thêm lực lượng, tổ chức đánh phá ác liệt nhưng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu.
81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị có hai cơn bão kéo theo mưa lớn khiến nước sông Thạch Hãn dâng cao, làm ngập công sự trận địa, gây nhiều khó khăn cho việc bảo đảm hậu cần, nhưng bằng ý chí, tinh thần gang thép, bộ đội ta vẫn chiến đấu ngoan cường, không lùi bước, giữ vững Thành cổ Quảng Trị.
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sắc, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1; nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quân sự; nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1)
Có thể là hình ảnh về 1 người, đang ngồi và trong nhà
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét