Có nhiều cách tiếp cận, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn
kết tôn giáo. Trong phạm vi bài viết, tác giả khai thác khía cạnh gắn với nhận
diện và đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo để
chống phá cách mạng Việt Nam.
Thứ nhất, tập trung xây dựng khối đoàn kết lương giáo và giữa
các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Đoàn kết lương giáo và những người có tín ngưỡng, tôn giáo với
những người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo tôn giáo
khác nhau trong khối đại đoàn kết dân tộc là quan điểm chủ đạo, bao trùm trong
tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tối cao là đấu tranh giành độc lập dân tộc,
giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người đã chỉ ra
cơ sở vững chắc của khối đoàn kết dân tộc là lợi ích chung, mẫu số chung, điểm
đại đồng để đoàn kết mọi người Việt Nam, giáo cũng như lương, đó là “nước ta
được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm
ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Từ đó, Người tin tưởng, tôn trọng đồng bào các tôn giáo, hướng họ vào công
cuộc kháng chiến, kiến quốc. Do am hiểu sâu sắc bản chất niềm tin tôn giáo của tín đồ;
biết kết hợp khéo léo niềm tin tôn giáo với niềm tin vào cách mạng, vào tương
lai của dân tộc, Hồ Chí Minh đã tập hợp, hướng đồng bào các tôn
giáo vào thực hiện nhiệm vụ chung giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống mới
“tốt đời, đẹp đạo”. Người đoàn kết quần chúng trong khối đại đoàn kết dân tộc
để thực hiện ước nguyện chung của mọi người Việt Nam là Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc. Người yêu cầu tín đồ “Kính Chúa và yêu nước” phải kết hợp với nhau; “tốt
đời, đẹp đạo” phải đi liền với nhau, không thể phân chia. Tốt đời tạo cơ sở vật
chất, xã hội để đẹp đạo. Muốn đẹp đạo cần phải đi theo cách mạng xây dựng cuộc
sống mới. Vì thế, không lý do gì đồng bào các tôn giáo không đoàn kết cùng toàn
thể dân tộc kháng chiến, kiến quốc. Ai không thực hiện điều đó không phải là
người Việt Nam yêu nước chân chính và cũng không phải tín đồ chân chính. Từ đó,
Người kêu gọi phải đoàn kết, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, già, trẻ,
gái, trai... “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn là đoàn kết lâu dài.
Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị... Ai
có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta
đoàn kết với họ”. Và Người đã tổng kết thành chân lý: Đoàn kết,
Đoàn kết, Đại đoàn kết. Thành công, Thành công, Đại thành công.
Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến lợi ích thiết thực của giáo dân cả phần đời
và phần đạo. Theo Người, nước độc lập
mà dân không được ấm no hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì. Đồng
bào các tôn giáo theo cách mạng mà Đảng, Nhà nước không quan tâm đến lợi ích
thiết thân của đồng bào để “phần xác ấm no, phần hồn thong dong” thì không thể
đoàn kết được. “Nếu giáo dục tốt thì giáo dân có thể đấu tranh... sống theo
Đảng, chết theo Chúa.... Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo
ta. Ta được lòng dân thì không sợ gì cả...”. Từ đó, Người đặc
biệt quan tâm đến mọi mặt đời sống sản xuất, ăn ở, học hành của đồng bào tôn
giáo; nhắc nhở cán bộ chú ý phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất,
tinh thần của giáo dân; gửi thư thăm hỏi, động viên, tặng quà... Với những
người lầm đường lạc lối, Người kiên trì thuyết phục, cảm hoá với thái độ khoan
dung độ lượng, lời lẽ chân tình, bởi họ đều là “ruột thịt”, “con Lạc, cháu
Hồng”, đều có lòng yêu nước nhưng do mắc mưu kẻ địch nên chưa nhận ra lẽ phải.
Vì thế, Người luôn “mong những đồng bào đó mau mau giác ngộ và quay về với
kháng chiến để phụng sự Chúa, phụng sự Tổ quốc”. Chính phủ luôn “hoan nghênh
rộng rãi như những người con đi lạc mới về”. Tấm gương ứng xử của
Người đối với đồng bào các tôn giáo đã cảm hoá được đa số chức sắc, tín đồ các
tôn giáo theo Đảng làm cách mạng.
Thực hiện bình đẳng các quyền lợi và nghĩa vụ công dân, nhằm
“tốt đời, đẹp đạo”. Mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Đồng
bào tôn giáo trước tiên là công dân Việt Nam nên tất yếu cần được đối xử bình
đẳng như mọi công dân khác, đồng thời họ là tín đồ của một tôn giáo nên quyền
tự do tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm. Tôn trọng tự do tín ngưỡng phải đi đôi
với không ngừng tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo tiến bộ về mọi mặt. Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, nhắc nhở: “Chúng ta kháng chiến, cứu nước, thi
đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất và làm cho người cày có
ruộng, tín ngưỡng tự do”. Đây là phương pháp, biện pháp có ý
nghĩa nền tảng, tiên quyết trong thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo của Chủ
tịch Hồ Chí Minh.
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu về tuyên truyền,
giáo dục cán bộ và đồng bào các tôn giáo. Phương pháp tuyên truyền giác ngộ của
Người luôn thiết thực, sinh động, lời lẽ giản dị, lấy việc thực, người thực làm
gương, mượn chuyện xa lý giải việc gần nên mọi người dễ tiếp thu, thực hiện.
Người không đem lý luận chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác - Lênin nói với những
người tín hữu. Người phê bình, uốn nắn các cán bộ cố nhồi nhét chủ nghĩa Mác -
Lênin, chủ nghĩa vô thần cho người theo đạo, dù họ đã đi với cách mạng. Về
chính trị, Người chỉ nói đến chủ nghĩa yêu nước theo cách giản dị là lòng yêu
nước, yêu quê hương; đất nước có độc lập, quê hương có được giải phóng thì giáo
dân mới có tự do hành đạo...
Thứ hai, kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên cán bộ một mặt phải tôn trọng và bảo
đảm tự do tín ngưỡng, mặt khác phải kiên trì giáo dục quần chúng xoá bỏ “mê tín
nhảm” và các hủ tục. Người nhắc nhở cán bộ không thành kiến, hẹp hòi, không xúc
phạm tín ngưỡng, không mắc bệnh dùng lý luận không đúng lúc, hay đao to búa lớn
“nào khách quan, chủ quan”, “nào tích cực, tiêu cực”, “nào khoa học hoá”, “gì
gì hoá” mà “tốt nhất là miệng nói, tay làm làm gương cho người khác bắt chước”.
Cán bộ phải: “Dạy cho đồng bào: 1. Thường thức vệ sinh để cho dân bớt đau ốm.
2. Thường thức khoa học để bớt mê tín nhảm”.
Người đã soạn ra 12 điều răn với 6 điều không nên và 6 điều nên
làm, trong đó có: “không nên xúc phạm tín ngưỡng, phong tục của dân…”, “Nghiên
cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là gây cảm tình, và sau là để dần dần
giải thích cho dân bớt mê tín”. Người cũng nêu ra 8 điều mệnh lệnh của Chính
phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó điều thứ 4 là: “Bảo vệ đền chùa nhà
thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hóa xã hội khác… Chính quyền,
quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng
bào”.
Theo Hồ Chí Minh, phương pháp giáo dục khắc phục mê tín, hủ tục
phải thận trọng, kiên trì, gần gũi với đồng bào; với phương châm lấy cái tốt mà
bỏ dần cái xấu, “dần dần nói cho người ta hiểu, để người ta vui lòng làm, chứ
không có quyền ép người ta”, không thể nóng vội xoá bỏ hết mọi sự
mê tín một cách cực đoan.
Thứ ba, luôn nâng cao cảnh giác để không mắc mưu những kẻ “phản
Chúa, phá đạo”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, lợi dụng tôn giáo để chống lại
cách mạng luôn là thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm kích động mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết lương-giáo, phá hoại
đoàn kết dân tộc. Chúng tuyên truyền: “Cộng sản là vô thần sẽ tiêu diệt tôn giáo”,
“thà mất nước còn hơn mất Chúa”… Và thực tế, một bộ phận giáo dân đã mắc mưu,
tin theo luận điệu thâm độc đó.
Ngay từ năm 1924, Người đã lên án mạnh mẽ và tố cáo những giáo sỹ Pháp làm gián điệp, bắn giết đồng bào ta. “Chính những tên giáo sĩ đã vẽ bản đồ An Nam cho quân xâm lược. Chính bọn họ đã đưa tin cho gián điệp dẫn đường cho đội viễn chinh và tố giác những người yêu nước”. Trong thời kỳ thực dân xâm lược, Người chỉ rõ: Thực dân Pháp là bọn đốt nhà thờ, hiếp bà phước, giết tín đồ chức sắc, giết dân ngoại đạo... “Thực dân là lũ Sa Tăng/ Phản Chúa, phá đạo là thằng thực dân”. Người luôn phân định rạch ròi tôn giáo với việc lợi dụng tôn giáo để làm điều xấu. Người coi những phần tử đội lốt tôn giáo để chống phá cách là “Việt gian đồng thời cũng là giáo gian”, là những kẻ bất chính, giả danh tín đồ để làm điều xấu độc. Người kêu gọi: “đồng bào cảnh giác và chớ mắc mưu những kẻ tuyên truyền lừa bịp”, “Bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng cương quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét