Gần đây, trong hệ thống chính trị nước ta xuất hiện nhiều “gương xấu”, “gương mờ”, “gương tối”, làm ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết trong tập thể, người tâm huyết nản chí không muốn cống hiến, dư luận băn khoăn, xã hội giảm sút niềm tin. Giải pháp nào để trong Đảng có nhiều “gương sáng” tận tụy cống hiến là câu hỏi rất thời sự.
Có thể thấy, từ năm 2010 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về nêu gương. Hiệu quả của biện pháp nêu gương đã được chứng minh trong thực tiễn vì rất phù hợp với đặc điểm tâm lý, văn hóa người Việt. Thành công của công cuộc đổi mới hơn 35 năm qua có sự đóng góp không nhỏ của biện pháp nêu gương. Thực tiễn cũng đã chứng minh, nơi nào, ở đâu và việc gì có cán bộ, nhất là người đứng đầu công tâm, gương mẫu tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đi trước, đi đầu trong phong trào, thì dân tin, làm theo đạt hiệu quả tốt. Ngược lại, nếu cán bộ thiếu tâm huyết, gương mẫu thì khó có thể vận động nhân dân thực hiện đường lối chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, trong hệ thống chính trị tồn tại hiện tượng nêu gương nửa vời. Bề ngoài cán bộ, đảng viên rất chỉn chu, cần mẫn, có phương pháp, tác phong của công bộc, lấy phục vụ nhân dân làm trọng. Nhưng ở góc khuất nào đó thì họ làm trái pháp luật. Ví dụ gần nhất là Ban Bí thư thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) vì vi phạm đạo đức nghiêm trọng.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Huỳnh Quang Hải, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính vì có khuyết điểm, trong đó có vi phạm quy định nêu gương. Ban Bí thư cũng thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng... vì vi phạm đạo đức đảng viên và quy định nêu gương.
Ở góc độ lãnh đạo, quản lý, thông qua nhiều vụ việc xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua đã cho thấy tình trạng cán bộ không chấp hành quy định pháp luật, lạm quyền, lách luật, thậm chí lờ đi sai phạm hoặc để người nhà, người thân, người quen hưởng lợi trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ độc quyền là rất nhiều. Đặc biệt, đã điều tra ra những trường hợp cán bộ nhận hối lộ để bảo kê các đối tượng được độc quyền trong sản xuất, kinh doanh hoặc lừa đảo nhà đầu tư... Điển hình là những cán bộ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quan... tiếp tay cho buôn lậu xăng giả đã phải hầu tòa.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tình trạng cán bộ gương mẫu nửa vời, lợi dụng chức quyền vi phạm pháp luật nhằm hưởng lợi xuất hiện ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương nhưng chưa được phát hiện. Nơi nào có dự án sử dụng ngân sách nhà nước, nơi nào đô thị hóa mạnh là nơi ấy có cơ hội xuất hiện cán bộ thiếu gương mẫu, bớt xén, tham nhũng, tiêu cực.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cán bộ nêu gương nửa vời, nổi bật là việc học chỉ thị, nghị quyết của Đảng mang tính hình thức, hời hợt, qua loa, đại khái, cốt để báo cáo. Thứ nữa là do cán bộ chưa gột bỏ được chủ nghĩa cá nhân nên tha hóa, ảo tưởng quyền lực. Tiếp theo là trong một thời gian dài cơ quan chức năng không làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nên cán bộ không sợ. Đây chính là cơ sở để Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý... chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật”.
Để “kích hoạt” khả năng nêu gương của cán bộ, đảng viên, cần tập trung vào các giải pháp chủ đạo, trước hết là cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và phát huy hiệu quả phê bình, tự phê bình. Chi bộ phải quản lý chắc tư tưởng cán bộ, đảng viên để làm tốt hơn nữa việc nhận xét, đánh giá hằng năm, phục vụ cho quá trình sử dụng lâu dài. Thực hiện tốt hơn nữa quy định giám sát cán bộ, đảng viên của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân. Khuyến khích và tôn trọng sự giám sát của nhân dân, sự giám sát của dư luận, sự giám sát của tổ chức Đảng.
Một biện pháp quan trọng khác là phải thực hành nêu gương trong xử lý kỷ luật. Theo đó, nếu đảng viên vi phạm, đặc biệt đảng viên giữ trọng trách trong Đảng vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm khắc hơn bình thường.
Đa phần cán bộ, đảng viên đến với Đảng đều bằng chữ tâm trong sáng. Thấm nhuần tư tưởng cống hiến và phục vụ nhân dân, nên ở giai đoạn đầu họ quyết tâm rèn luyện, phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, sau đó được quy hoạch, bổ nhiệm. Tuy nhiên, khi đã có quyền lực họ mới thể hiện bản chất tham quyền lực, danh vọng và tham tiền tài vật chất. Nếu không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa thì sẽ trượt dài trong chủ nghĩa cá nhân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Muốn có “gương sáng” để khơi dậy cái tâm trong mỗi cán bộ, đảng viên hướng vào thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cách mạng thì rõ ràng ngoài hoàn thiện cơ chế, Đảng phải loại bỏ, xử lý nặng những “gương xấu”, “gương tối”, “gương mờ” một cách hiệu quả. Nhân dân chỉ tin, yêu và quý trọng những cán bộ, đảng viên miệng nói, tay làm chứ không tin những người gương mẫu nửa vời, giả tạo, luôn mang tư tưởng cơ hội, sẵn sàng thò “bàn tay nhung” chiếm đoạt tài sản nhà nước, tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét