Vu
cáo Việt Nam đưa “lao động lậu”, chính quyền, doanh nghiệp Việt Nam “lơ là”,
“tắc trách” trong công tác bảo đảm quyền lợi, chế độ đãi ngộ và bảo hiểm nghề
nghiệp của người lao động ở nước ngoài… Đó là những luận điệu sai lệch, xuyên
tạc của các thế lực thù địch nhằm vào chống phá chủ trương đưa và bảo trợ công
dân đi lao động nước ngoài của Việt Nam; tác động tiêu cực, gây tâm lý hoang
mang, hoài nghi vào chính sách của Đảng, Nhà nước.
HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG
Trong những năm qua, với quan điểm lấy con người làm trung tâm,
Đảng và Nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam có
thể đi làm việc ở nước ngoài cũng như nỗ lực không ngừng để bảo đảm quyền lợi,
hỗ trợ tối đa người lao động ở các nước sở tại.
Việt Nam chủ trương không đưa người lao động đi làm việc ở nước
ngoài bằng mọi giá mà bảo đảm hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ra nước ngoài
làm việc cũng như sau khi về nước có việc làm phù hợp. Người lao động đủ điều
kiện theo quy định được tự do lựa chọn hình thức đi làm việc ở nước ngoài,
không bị ép buộc. Nhà nước khuyến khích người lao động tham gia công việc có
trình độ chuyên môn kỹ thuật, an toàn, thu nhập cao; sau khi về nước có thể
phát huy và sử dụng có hiệu quả các kiến thức, kỹ năng, trình độ phù hợp với sự
phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhà nước bảo đảm bình đẳng giới, cơ
hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề,
ngoại ngữ, giáo dục định hướng và có biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động
Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ
đầu tư mở thị trường lao động mới, thị trường có thu nhập cao, thị trường tiếp
nhận nhiều lao động thông qua ký kết các thỏa thuận hợp tác.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài được bảo đảm về quyền, lợi
ích theo quy định của pháp luật. Trong đó, được cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ
trợ, đào tạo chuyên môn; hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập khác, chế độ
khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, các quyền lợi khác quy định; được bảo vệ theo
quy định của pháp luật; có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về hành vi vi
phạm pháp luật; có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao
động ngược đãi, cưỡng bức lao động… trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức cá nhân đưa người đi
lao động ở nước ngoài phải đáp ứng đủ điều kiện và thực hiện trách nhiệm theo
quy định của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân này phải cấp phép hoạt động cũng
như đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc
ở nước ngoài theo hợp đồng; có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định trong
việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người lao động đi lao động ở nước ngoài…
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ đưa người đi
lao động ở nước ngoài phải có vốn điều lệ trên 5 tỷ đồng và phải thuộc sở hữu
pháp nhân, thể nhân Việt Nam; người đại diện theo pháp luật và nhân viên nghiệp
vụ phải có trình độ, tiểu chuẩn nhất định…
Nhà nước nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các hành vi đưa người lao
động đi làm việc ở nước ngoài trái pháp luật. Điều 7, Luật Người lao động Việt
Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nghiêm cấm các hành vi cưỡng ép, dụ
dỗ, lừa đảo người lao động; lợi dụng để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán
người; hỗ trợ hoặc làm thủ tục để người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi
chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự,
nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động… Nhà nước xử phạt nghiêm minh
hành vi đưa người đi lao động nước ngoài trái phép theo Bộ luật Hình sự Việt
Nam.
Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở
nước ngoài; luật hóa trách nhiệm của Nhà nước và cơ quan đại diện ngoại giao
trong công tác bảo hộ công dân. Cụ thể, Khoản 3, Điều 17, Hiến pháp năm 2013
quy định “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam bảo hộ”. Hay khoản 2, Điều 4, Luật Người lao động Việt Nam đi
làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định: Nhà nước “bảo hộ quyền và lợi ích
hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong
lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”…
Có thể thấy rằng, Nhà nước Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm đối
với công dân và thực hiện mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật quốc
tế và nước sở tại nhằm bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân ở nước ngoài
thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao. Các cơ quan này có trách nhiệm bảo
đảm công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo pháp luật
cũng như hỗ trợ, bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày
25/7/2007 thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và
Chỉ thị số 1737/CT-TTg ngày 20/9/2011 về tăng cường công tác bảo hộ quyền và
lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ra nước ngoài trong tình hình hiện
nay… để hỗ trợ tối đa cho cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài nói chung và
người lao động nói riêng.
NỖ LỰC KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng hoạt động đưa
người đi lao động ở nước ngoài và bảo hộ công dân của Việt Nam đã có những bước
tiến nhất định; góp phần phát triển kinh tế đất nước đồng thời bảo đảm cuộc
sống, nâng cao thu nhập của người dân lao động.
Thứ nhất, với
những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, bên cạnh việc duy trì những thị trường
truyền thống, thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có
mức thu nhập và điều kiện lao động tốt. Thị phần của lao động Việt Nam tại một số
nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng đáng kể; nhiều
thị trường mới đã được mở ra như Úc, Niu Di Lân, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng
hòa Séc, Slô-va-ki-a, Ru-ma-ni.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), từ
năm 2014 số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài đã vượt qua con số
100.000 người/năm; trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao
động lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo ước tính, mỗi năm lượng kiều hối
mà người lao động Việt Nam gửi về nước khoảng 1,5 tỷ đô-la Mỹ, góp phần phục vụ
đắc lực cho chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân, nâng
cao mức sống nhân dân; giải quyết nhu cầu việc làm, đào tạo nghề; góp phần xóa
đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Thêm vào đó, người lao
động có điều kiện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu kiến thức, ngoại ngữ
và tác phong làm việc tiên tiến từ nước ngoài, trở thành nguồn nhân lực quan
trọng sau khi về nước.
Thứ hai, lao
động Việt Nam luôn được bảo vệ tối đa dù trên lãnh thổ các nước sở tại. Hiện
nay, Việt Nam đã thành lập ban quản lý lao động ở 6 quốc gia và vùng lãnh thổ
có đông lao động Việt Nam đang làm việc gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,
Ma-lai-xi-a, các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ả-rập Xê-út.
Đối với các nước khác, cơ quan đại diện ngoại giao sẽ thay mặt Nhà
nước quản lý và hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan tới người lao động Việt
Nam. Các cơ quan này đã phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình đối
với công dân Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong những trường hợp giải cứu,
bảo vệ công dân Việt Nam khỏi nước sở tại.
Điển hình, năm 2011 và năm 2014, sơ tán người lao động ở Libya;
đưa công dân ra khỏi châu Âu do núi lửa phun trào năm 2010; giải cứu công dân
khỏi khủng hoảng chính trị tại Thái Lan năm 2008; vận chuyển công dân Việt Nam
trở về từ Ma-lai-xi-a, Trung Đông các năm 2005-2007... Đặc biệt, đã tổ chức gần
600 chuyến bay giải cứu hơn 130.000 công dân và người lao động từ hơn 60 quốc
gia, vùng lãnh thổ về nước do dịch COVID-19 năm 2021.
Thứ ba, thực hiện nhiều biện pháp
đồng bộ ngăn chặn có hiệu quả tội phạm và các hành vi lợi dụng việc đưa lao
động ra nước ngoài để vi phạm pháp luật. Việt Nam đã xây dựng, ban hành hệ
thống văn bản quy phạm pháp luật, triển khai các biện pháp nghiệp vụ chuyên
ngành cũng như phối hợp với các quốc gia trên thế giới phát hiện, đấu tranh có
hiệu quả với các hành vi lừa đảo, dụ dỗ, ép buộc, cưỡng bức lao động, đặc biệt
là lợi dụng việc đưa người đi lao động ở nước ngoài để lừa tổ chức mua bán
người, vượt biên trái phép, mua bán người…
Mới đây, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an phối hợp lực lượng
chức năng Căm-pu-chia đã giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang Căm-pu-chia
lao động trái phép; giải cứu 03 công dân bị lừa bán cho các chủ tàu khai thác
thủy sản trên vùng biển Ma-lai-xi-a; cơ quan đại diện Việt Nam tại Căm-pu-chia
đã phối hợp với các cơ quan chức năng hai nước, xác minh, hỗ trợ và đưa về nước
an toàn khoảng 600 công dân Việt Nam bị lừa sang Căm-pu-chia với lao động việc
nhẹ lương cao…
Thứ tư, quản lý, giám sát hoạt
động của các công ty, tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước
ngoài và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Việt Nam giám sát chặt chẽ việc
tuyển chọn, đào tạo, định hướng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, công tác
quản lý lao động làm việc ở nước sở tại, công tác phối hợp xử lý các vụ việc
phát sinh… của các doanh nghiệp và xử lý nghiêm minh bất kỳ tổ chức, cá nhân
nào vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến người lao động.
Đầu năm 2022, Bộ LĐTB-XH đã quyết định xử phạt hành chính 110
triệu đồng và đình chỉ 6 tháng hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài đối
với Công ty CP Hợp tác lao động quốc tế Vinaco vì đã không trực tiếp tuyển chọn
lao động, bồi dưỡng không đầy đủ và không tổ chức bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp
pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc tại Ả-rập Xê-út theo
quy định. Ngoài ra, Công ty CPĐT và HTQT Thăng Long OSC, Công ty CP sáng tạo
Đỉnh Cao và Công ty CP Tập đoàn DHT cũng bị xử phạt từ 3,5 đến 50 triệu đồng vì
những vi phạm liên quan đến đưa người đi lao động ở nước ngoài.
Có thể khẳng định, những năm qua công tác đưa và bảo vệ người đi lao động nước ngoài của Việt Nam đã có những kết quả nổi bật. Việt Nam luôn tạo điều kiện tối đa cho người dân có cơ hội đi lao động ở nước ngoài, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động này gây thiệt hại đến người dân. Thực tiễn đã chứng minh chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta và phản bác những luận điệu sai lệch, vu cáo nhằm hạ uy tín của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét