Tại buổi họp báo thường kỳ của
Bộ Ngoại giao ngày 22-9 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng
định: "Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền
cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và
nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan".
Quyền con người ở Việt Nam đã
được thể hiện toàn diện, đầy đủ trong hiến pháp-đạo luật nền tảng của nước Cộng
hòa XHCN Việt Nam. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp 2013, đã
quy định rất rõ các quyền dân sự, chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn
hóa; các quyền của nhóm dễ bị tổn thương. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 đã dành riêng
một chương gồm 36 điều chế định và hiến định rõ ràng các quyền con người, quyền
và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Đây là bản hiến pháp được quốc
tế đánh giá là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến bảo vệ quyền con người, quyền
công dân, nó phù hợp với thực tiễn Việt Nam và với chuẩn mực quốc tế về quyền
con người. Đơn cử như Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo
bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo”.
Cùng với hiến pháp và các bộ
luật, đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con
người, như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế, xã
hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về
xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em;
Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô
nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Công ước về quyền của người khuyết tật...
Dù là quốc gia phải chịu nhiều
đau thương, mất mát do chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay, chúng ta có quyền tự
hào, tự tin khi Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật khá toàn
diện, trong đó lấy con người làm trung tâm.
Việc Việt Nam ứng cử vào Hội
đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là phù hợp với thực tiễn. Việt Nam không
những đã có nhiều đóng góp tích cực mà còn có kinh nghiệm khi phấn đấu cho
quyền con người.
Trước đó, năm 2013, Việt Nam
lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số
phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới. Khi đó, những sáng
kiến của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2014-2016 được quốc tế đánh giá cao, tiêu biểu
như việc Việt Nam phối hợp cùng các quốc gia khác đưa ra: Vấn đề về bảo đảm
quyền lao động của người khuyết tật; về bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho
người lao động trên biển; Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền
trẻ em; về nâng cao giáo dục trong phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em
gái...
Việc Việt Nam tiếp tục ứng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là hoàn toàn xứng đáng. ASEAN cũng đã chính thức công nhận Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khối. Đó là minh chứng xác đáng cho những thành tựu và nỗ lực không ngừng của Việt Nam cho một cuộc sống tươi đẹp trên hành tinh xanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét