Cùng với việc bác bỏ
nội dung sai sự thật, không khách quan với định kiến xấu mà một số tổ chức nhân
danh nhân quyền quốc tế đã đưa ra về tình hình Việt Nam, ngày 22-9, tại cuộc
họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, về việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân
quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu
Hằng nhấn mạnh, những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm
quyền con người thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và
đánh giá cao.
Chúng ta hãy kiểm chứng lời của
người phát ngôn:
Trước tiên, xin được dẫn đánh
giá của bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam qua Báo
cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020: “Với chủ trương phát triển lấy con
người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong
các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Việt Nam đạt
được mức phát triển con người cao. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng
tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn, nhanh hơn trong giai đoạn tới”.
Từ nhiều năm nay, LHQ luôn lấy
Việt Nam là một điểm sáng về phát triển con người, nhất là trong thực hiện các
mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, về công bằng và tiến bộ xã hội.
Việt Nam nằm trong số những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất thế
giới.
Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố
hoàn thành "Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo",
về đích trước gần 10 năm so với thời hạn. Cũng theo bà Caitlin Wiesen, quốc tế
nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa
đói, giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua.
Đảng, Nhà nước ta luôn xác định
chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, lấy
con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất
nước. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy con người là trung tâm của phát
triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”(1).
Chính sách phát triển kinh
tế-xã hội của Việt Nam là công bằng, hướng tới mọi đối tượng, không chỉ chú
trọng phát triển kinh tế ở thành thị, mà luôn dành nguồn lực lớn, sự quan tâm
sâu sắc tới xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống người nông dân. Qua từng
năm, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội đều thay đổi nhanh
chóng.
Một điểm đặc biệt của Việt Nam
được quốc tế đánh giá rất cao, đó là đất nước rất chú trọng đến Chỉ số phát
triển con người (HDI), dù kinh tế chưa đạt được như các nước tiên tiến. Báo cáo
hằng năm của UNDP cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng HDI
cao nhất thế giới. Nếu năm 1990, HDI của Việt Nam chỉ đạt mức thấp là 0,48 thì
đến năm 2021, HDI của Việt Nam được UNDP công bố là 0,703, xếp thứ 115 trong số
191 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với quan tâm phát triển con người, quyền
của các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật... có
những bước tiến rõ rệt.
Việt Nam được đánh giá là một
trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua;
được LHQ đánh giá là điểm sáng về thực hiện bình đẳng giới trong thực hiện các
mục tiêu Thiên niên kỷ.
Phát biểu tại phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 22-2-2021, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (nay là Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ) khẳng định: "Là một thành viên tích cực của LHQ cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, và luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quyền con người cả ở trong nước cũng như trên thế giới".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét