75 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Sửa đổi lối làm việc (1947-2022), song phần Người dành để nói về vấn đề cán bộ trong đó vẫn luôn là những bài học quý báu không chỉ đúng với hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, mà còn giữ nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn đối với việc đổi mới cán bộ, công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tháng 10/1947, khi cách mạng Việt Nam đang ở vào giai đoạn gay go, ác liệt; khi Đảng vừa lãnh đạo nhân dân cả nước xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Sửa đổi lối làm việc của Đảng nói chung, đổi mới vấn đề cán bộ, công tác cán bộ nói riêng - công việc gốc của một Đảng cầm quyền càng “là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”[2].
Thực tế công tác cán bộ cho thấy, trong những năm Đảng hoạt động bí mật, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, sự hao tổn những cán bộ quý vốn là điều không tránh khỏi, nhưng khi trở thành Đảng cầm quyền, chúng ta cũng có sự tổn thất về cán bộ. Bởi rằng, trong những năm tháng vừa kháng chiến vừa kiến quốc, bên cạnh việc đại đa số cán bộ, đảng viên của Đảng đều thấm nhuần 23 điều răn về tư cách người cán bộ cách mạng; đều xứng đáng với niềm tin yêu và sự kính trọng của nhân dân, thì cũng còn những người đã mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Khi được giao trọng trách đảm nhiệm các vị trí trong các cơ quan công quyền, các cơ quan của Đảng và hệ thống chính trị, bộ phận những cán bộ, đảng viên ấy, người thì “chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng cá nhân chủ nghĩa. Cá nhân chủ nghĩa là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”[3]; người thì “chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa v.v… Những thói xấu đó đã có từ lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng”[4]… nên đã “không lấy Đảng làm nền tảng. Mình muốn thế nào thì làm thế ấy. Quên cả kỷ luật của Đảng”, dẫn đến thoái bộ, gây bức xúc trong nhân dân và làm tổn hai đến Đảng.
Vì “việc nước lấy Đoàn thể làm cốt cán. Việc Đoàn thể lấy cán bộ làm cốt cán. Cán bộ lấy đức làm cốt cán”[5] và cũng vì “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”[6], cho nên Đảng không chỉ phải lưu tâm đến vấn đề cán bộ trên tinh thần “chúng ta càng phải quý cán bộ, phải bổ sung cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới”[7], mà còn phải quan tâm, thường xuyên chăm sóc, vun trồng “nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”[8]
Nhận thức sâu sắc vị trí và tầm quan trọng của cán bộ, để cán bộ đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, trong Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành nguyên Chương IV để nói về “Vấn đề cán bộ”, mà trong những chương khác của tác phẩm, dù trực tiếp hay gián tiếp, Người cũng đều nói về những vấn đề liên quan đến cán bộ. Một trong những vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu tâm nhất là những tật bệnh nguy hiểm đang tồn tại trong Đảng và hệ thống chính trị khi đó. Vì thế, trong tác phẩm này, Người chỉ rõ các bệnh chủ quan; bệnh hẹp hòi; bệnh khai hội; bệnh nể nang; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; thiếu kỷ luật; óc hẹp hòi; óc địa phương; óc lãnh tụ; bệnh “hữu danh vô thực”; kéo bè kéo cánh; bệnh cận thị; bệnh “cá nhân”; bệnh tị nạnh; bệnh xu nịnh, a dua; bệnh quan liêu; bệnh bàn giấy; bệnh nóng tính; bệnh lụp chụp,v.v..[9] đang đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng; đồng thời yêu cầu toàn Đảng “phải cố sữa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng càng mạnh khỏe, bình an”.
Theo Người, để mỗi cán bộ, đảng viên trở nên tốt hơn, tự soi, tự sửa được những thói hư, tật xấu của mình, thì trong mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên đều phải quán triệt sâu sắc: 1) Thang thuốc hay nhất và hữu hiệu nhất để chữa các chứng bệnh nêu trên chính là “thiết thực phê bình và tự phê bình”. 2) “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”[10]. 3) Đối với các khuyết điểm, phải có thái độ phân tách rõ ràng đúng, sai; ra sức tranh đấu để sửa chữa khuyết điểm, không để khuyết điểm phát triển, có hại cho Đảng; không máy móc trước các khuyết điểm, mà phải “luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”; đồng thời phải “đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín Đảng”[11]…
Cũng theo Người, để mỗi cán bộ phát huy tốt nhất được khả năng của mình cũng như khắc phục được những nhược điểm, hoàn tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, thì những người làm công tác cán bộ phải đổi mới công tác: huấn luyện nghề nghiệp; huấn luyện chính trị; huấn luyện văn hóa; huấn luyện lý luận và nhất là phải biết rõ cán bộ; cất nhắc cán bộ một cách cho đúng; phải khéo dùng cán bộ; phải phân phối cán bộ cho đúng; phải giúp cán bộ cho đúng; phải giữ gìn cán bộ, trên tinh thần: “Hiểu biết cán bộ, Khéo dùng cán bộ, Cất nhắc cán bộ, Thương yêu cán bộ, Phê bình cán bộ”[12]. Cùng với đó, cấp ủy và những người làm công tác tổ chức phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để giúp cán bộ rút kinh nghiệm, kịp thời sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm; phải nắm bắt tâm tư, tình cảm và tư tưởng của cán bộ để chủ động giúp đỡ, chia sẻ khi khó khăn; động viên, cổ vũ khi có niềm vui, thành tích trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường… Theo Người, làm được như vậy thì cả cán bộ và công tác cán bộ của Đảng đều “khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”.
Hơn 7 thập niên sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những vấn đề liên quan đến cán bộ trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, có thể nói việc chú trọng thực hiện vấn đề cán bộ, công tác cán bộ theo chỉ dẫn của Người đã góp phần vào những thành công của sự nghiệp cách mạng.
2. Tiếp tục đổi mới cán bộ và công tác cán bộ theo Nghị quết Đại hội XIII của Đảng
Cách mạng là sáng tạo và tất yếu khách quan của thực tiễn đòi hỏi Đảng phải chú trọng cán bộ và đổi mới công tác cán bộ. Trong Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: “Trong mỗi giai đoạn, cần phải luôn luôn cất nhắc những người hăng hái trong giai đoạn đó, để thay thế cho những người cũ bị đào thải, hoặc vì tài không xứng chức, hoặc hủ hoá”[13]. Thực tế cũng cho thấy, hơn 92 năm tồn tại và phát triển với 13 kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên được trang bị lý luận Mác - Lênin, kiên định lý tưởng cách mạng, giỏi về vận động và tổ chức, tập hợp, đoàn kết và lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng, đấu tranh giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; kiên trì tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) để vừa xây dựng chế độ xã hội mới, góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa giải phóng miền Nam, thống nhất cả nước, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Từ những chỉ dẫn ngắn gọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Sửa đổi lối làm việc, trong mỗi bước chuyển của cách mạng, tùy vào nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ, những yêu cầu về tiêu chuẩn và nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên cũng thay đổi, song yêu cầu có tính nguyên tắc theo Người là mỗi cán bộ, đảng viên đều phải là những người vừa có đức vừa có tài, phải xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải “trọng lợi ích của Đảng hơn hết”; phải có “năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”[14]; đồng thời, ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng “cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, trí thức và chính trị của mình. Luôn luôn giữ gìn kỷ luật” để xứng đáng “là một trong những người đại biểu của dân tộc”.
Thực tế yêu cầu của sự nghiệp cách mạng hiện nay đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ phải kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có trình độ khoa học kỹ thuật cao, mà còn phải có nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, quản trị chất lượng theo tiêu chuẩn của từng cấp (từ Trung ương đến địa phương) để đảm đương trọng trách điều hành nền kinh tế, nền hành chính quốc gia. Vì thế, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ hiện có, thì việc tiếp tục phải đổi mới cán bộ và công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp”[15] là một tất yếu lịch sử, là một đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp cách mạng.
Cụ thể, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, những điều kiện khách quan và chủ quan trong thực tiễn đã giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn những ưu điểm cũng như khuyết điểm của đội ngũ cán bộ; những kết quả đạt được cũng như những hạn chế cần phải khắc phục, như “công tác cán bộ còn có mặt hạn chế, việc thực hiện một số nội dung trong các khâu của công tác cán bộ ở một số nơi còn hình thức. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”[16]. Từ đó: Một mặt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ban, ngành chức năng, nhất là người đứng đầu về công tác cán bộ; đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; mặt khác, phải “tiếp tục hoàn thiện thể chế Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về công tác cán bộ. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy”[17] gắn với việc dựa vào nhân dân để theo dõi, kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên…
Cùng với đó, để cán bộ và công tác cán bộ đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ; để các chủ trương, biện pháp, chính sách về cán bộ và sử dụng đội ngũ cán bộ chất lượng hơn, hiệu quả hơn, khắc phục được vấn nạn chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm…thì cùng với việc tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐi/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” trong cả hệ thống chính trị, là việc Đảng phải “tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành chức năng phải giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát, “không để lọt những người không xứng đáng, không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhưng cũng không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ”[18].
Đặc biệt, phải “xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật của Nhà nước và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ đã vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu” và đi liền cùng đó là đào thải những người “tài không xứng chức”, những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hay những “cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, intrnet, mạng xã hội… để xuyên tạc, kích động, gây mấy đoàn kết nội bộ”[19] ra khỏi đội ngũ, để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị.
Cuối cùng, có thể khẳng định rằng: Quán triệt yêu cầu cán bộ và công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ và quyết định sự thành bại của cách mạng, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Sửa đổi lối làm việc nói chung, vấn đề cán bộ trong tác phẩm nói riêng luôn được Đảng chú trọng, vận dụng phù hợp với mỗi giai đoạn cách mạng. Vì thế, chúng ta tin tưởng rằng, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, cán bộ và đổi mới công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII đã và đang được triển khai sinh động trọng thực tiễn sẽ xứng đáng với niềm tin tưởng và sự kỳ vọng của Đảng và Nhân dân!
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét