Ngay sau khi bão số 4 đi qua, LLVT Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đã khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện phối hợp với chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống...
Ấm lòng người dân Đà Nẵng
Sau bão số 4, phường An Hải Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) có nhiều
cây bị đổ, nhiều nhà dân, hàng quán bị tốc mái, bảng biển quảng cáo rơi trên
đường... Có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS
quận Sơn Trà đội mưa gió để vác gỗ, sửa chữa lại nhà và vận chuyển đồ đạc giúp
nhân dân.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Nhơn, Chính trị viên phó Ban CHQS quận Sơn
Trà cho biết: “Sau khi bão tan, đơn vị cử ngay lực lượng đến giúp dân. Chúng
tôi làm việc thông tầm, giúp nhân dân dựng lại những ngôi nhà bị hư hại, dọn
dẹp cây đổ. Tất cả anh em đều thấm mệt do đêm qua xuống âu thuyền Thọ Quang vận
động 60 ngư dân ở dưới thuyền lên bờ tránh bão...”.
Ngay sau khi bão đi qua, Bộ CHQS TP Đà Nẵng đã điều hơn 500 cán
bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân cùng các loại phương tiện, phối hợp với
chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ trên các tuyến
đường giao thông để phục vụ người dân đi lại. Theo Đại tá Đoàn Duy Tân,
Chính ủy Bộ CHQS TP Đà Nẵng: Trên địa bàn có số lượng cây xanh ngã đổ, nhà tốc
mái khá nhiều. Để nhân dân sớm ổn định đời sống, Bộ CHQS thành phố đã chỉ đạo
các đơn vị triển khai cán bộ, chiến sĩ khẩn trương trợ giúp dọn dẹp cây đổ, sửa
nhà cho bà con trên địa bàn; chú ý tổ chức chặt chẽ để bảo đảm an toàn...
Những việc
làm nặng tình nghĩa của cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân trước và sau khi bão
đổ bộ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân. Sau khi được bộ đội sửa
lại nhà, bà Lê Thị Mỹ Lệ ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà cảm động nói: “Cảm
ơn các anh bộ đội đã giúp đỡ gia đình tôi trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Bão lớn
quá nên nhà tôi bị sập. May được các anh bộ đội kịp thời giúp sức”.
Chung tay khắc phục hậu quả
Sáng 28-9, mưa gió vẫn còn khá mạnh nhưng Thiếu tướng Hứa Văn
Tưởng, Phó tư lệnh Quân khu 5 cùng đoàn công tác Sở chỉ huy phía
trước về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của quân khu đã đi thị sát
tình hình mọi mặt sau khi bão đổ bộ. Tại nơi các lực lượng của quân đội
đang tổ chức cắt dọn cây xanh ngã đổ, khắc phục các tuyến đường giao thông bị
sạt lở, Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam, Sư đoàn
315 và Lữ đoàn Công binh 270 tiếp tục nắm chắc tình hình, không được chủ quan;
sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão khi
có yêu cầu...
13 giờ, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), mưa đã tạnh nhưng gió vẫn
quất ràn rạt, hai bên đường phố ngổn ngang những thân cây đổ. Trực tiếp
chỉ huy lực lượng tham gia khắc phục hậu quả bão số 4 trên địa bàn, Thượng tá
Huỳnh Kim Ngọc, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Tam Kỳ cho biết: “Ngay sau khi bão
tan, dù thời tiết không thuận lợi nhưng với tinh thần khẩn trương giúp dân ổn
định cuộc sống, Ban CHQS thành phố đã triển khai lực lượng bộ đội thường trực,
dân quân thường trực, dân quân cơ động của 13 xã, phường, thị trấn ra hiện
trường khắc phục hậu quả thiên tai. Các đội xung kích phòng, chống thiên tai
khẩn trương phối hợp dọn cây ngã đổ trên các tuyến giao thông quan trọng; giúp
các trường học lợp lại mái tôn, dọn dẹp vệ sinh sau bão và giúp người dân lợp
lại mái nhà bị tốc"...
Theo thống kê sơ bộ, tính đến chiều 28-9, trên địa bàn TP Tam Kỳ
có 1.238 ngôi nhà bị tốc mái một phần; 96 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 3 nhà
bị sập; 6 trường học bị tốc mái, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức dạy học. Cùng
với đó, nhiều cây xanh bị ngã đổ và một số tuyến đường liên thôn, liên xã bị
ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến việc lưu thông...
Tối 28-9, trên địa bàn TP Tam Kỳ vẫn còn nhiều cán bộ, chiến sĩ
bộ đội, dân quân cùng các lực lượng dọn vệ sinh đường phố dưới trời mưa.
Ở phía bắc tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên cũng chịu nhiều thiệt
hại do bão số 4. Theo thống kê sơ bộ, có 1 ngôi nhà ở xã Duy Vinh bị sập, 11
ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn và 144 ngôi nhà tốc mái một phần; 1 tàu cá bị
chìm; 30 phòng học ở các trường trong huyện bị tốc mái, nhiều đồ dùng dạy
học hư hỏng; 4 trụ điện trung thế và cao thế bị đổ; sạt lở 700m đường ven
biển tại xã Duy Hải và 200m bờ kè trên sông Thu Bồn; nhiều cây xanh ven đường
ngã đổ... Trước tình hình trên, LLVT huyện Duy Xuyên đã huy động tối đa cán bộ,
chiến sĩ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tập trung khắc phục
hậu quả thiên tai, chú trọng khôi phục đường giao thông, giúp sửa chữa các
trường học và nhà ở cho nhân dân.
Nỗ lực giúp nhân dân ổn định
cuộc sống
Sau bão số 4, thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân, huyện Phú
Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị thiệt hại nặng nề về tài sản. Đồng chí Trần
Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết: "Thống kê sơ
bộ, riêng thôn Khánh Mỹ có 46 ngôi nhà bị tốc mái, 3 ngôi nhà đổ sập; nhiều cây
cối và cột điện bị đổ; vật dụng sinh hoạt của nhiều gia đình bị hư
hỏng... Rất may là không ai thiệt mạng”.
Ngay khi
bão tan, đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa
Thiên Huế đã trực tiếp đến thôn Khánh Mỹ kiểm tra tình hình; gặp gỡ, hỗ trợ
những gia đình bị thiệt hại nặng. Bộ CHQS, Bộ chỉ huy BĐBP và Công an tỉnh Thừa
Thiên Huế đã điều động hơn 150 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng xuống địa bàn giúp
đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; trước hết là tập trung sửa nhà để bà
con có nơi ăn nghỉ...
Theo Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên
Huế: Đơn vị đã kịp thời huy động 50 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện về
hỗ trợ bà con thôn Khánh Mỹ. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực và dân
quân, tự vệ trong tỉnh cũng được huy động cao nhất để giúp nhân dân những vùng
bị thiệt hại của bão khắc phục hậu quả với phương châm làm việc hết mình, tranh
thủ tối đa thời gian giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. /.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét