Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

CẦN PHẢI NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ TỰ DO NGÔN LUẬN ĐỂ CÓ HÀNH XỬ ĐÚNG MỰC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 


 


Quyền tự do ngôn luận là quyền của con người trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội dưới hình thức bằng lời nói, văn bản (viết tay hoặc đánh máy) hoặc dưới bản điện tử (email, facebook, zalo…) hoặc dưới hình thức khác (tranh vẽ, biểu diễn nghệ thuật…).

Ở nước ta, quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp năm 2013 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và nhiều đạo luật quan trọng như Luật Báo chí, Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, cũng như các quyền khác của công dân, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí phải trong khuôn khổ pháp luật quy định. Theo đó, khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ nhà nước và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội có những phát ngôn dưới nhiều hình thức như bài viết, bài nói hoặc livestream để thể hiện những ý kiến, quan điểm trái chiều nhưng đã đi quá giới hạn cho phép. Thậm chí, một số phần tử cơ hội, các tổ chức phản động trong và ngoài nước  đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm đến lợi của cá nhân, tập thể, xuyên tạc đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta. Do đó, những hành vi này đã bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Ví dụ như ông Trần Quốc Khánh sinh năm 1960, quê quán ở xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã sử dụng tài khoản Facebook "Trần Quốc Khánh" và trang Fanpage "Tiếng Nói Công Dân" của mình, để phát trực tiếp 22 video có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền nhân dân; bịa đặt, quy chụp chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; kêu gọi đa nguyên, đa đảng. Hành vi của Trần Quốc Khánh đã bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố về tội "Tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Khánh 6 năm 6 tháng tù; ngoài ra, bị cáo phải chịu quản chế 2 năm tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

           Hoặc gần đây nhất Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam với bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam - về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. vì thời gian dài vừa qua, bà Nguyễn Phương Hằng đã nhiều lần tổ chức livestream trên mạng xã hội, hay tổ chức các sự kiện khác có sự tham gia của đông đảo người dân, trong đó có nhiều lần dùng lời lẽ có dấu hiệu xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người khác, trong đó có những ca sĩ, nhà báo, luật sư, người có uy tín khác…

Qua một số vụ việc cho thấy, do không nhận thức rõ hoặc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, các thế lực thù địch phản động đã và đang lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, bôi nhọ, nói xấu chính quyền; hoặc một số cá nhân đã lợi dung quyền tư do ngôn luận nhằm  xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người khác… đã gây kích động, hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Tất cả mọi hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tự do ngôn luận là quyền con người cơ bản, nhưng luôn phải có giới hạn trong khuôn khổ của pháp luật. Điều 19 Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật”.

Khung pháp lý của nước ta về quyền tự do ngôn luận cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người. Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có những quy định để hạn chế và ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội đã trở thành công cụ thể hiện quyền tự do ngôn luận của đông đảo người dân, điều này đặt ra nhiều vấn đề về xã hội và pháp lý, trong đó có việc quản lý thông tin trên không gian mạng hiện nay. Những hành vi như đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… đều bị pháp luật xử lý. Do vậy, mọi người cần phải nhận thức rõ đâu là giới hạn của tự do ngôn luận để có hành xử đúng mực./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét