Đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhiều người rất ấn tượng với hiện vật được trưng bày tại bảo tàng là chiếc mã tấu được nữ Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Chiên sử dụng trong các trận đánh, chống càn thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Nguyễn Thị Chiên tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi. Là trung đội trưởng đội nữ du kích xã Tán Thuật (Kiến Xương, Thái Bình). Chị chỉ huy đơn vị hoạt động lúc ẩn lúc hiện, khi đi phá đường, khi quấy rối, phá tề… gây hoang mang cho địch. Đội du kích nữ của chị tổ chức hơn 40 trận đánh, quấy rối nổi tiếng, diệt và bắt sống nhiều tên địch. Tiêu biểu như vào tháng 10-1951, trung đội du kích của chị phối hợp với Đại đội 44, Tiểu đoàn 680, Đại đoàn 320 tiêu diệt lính Âu Phi trên đường 39. Trong trận này, trực tiếp chị chỉ huy bắn bị thương 1 tên địch, bắt sống 6 tên và thu giữ 4 khẩu súng. Tháng 12-1951, khi quân Pháp lùng sục vào làng, lợi dụng lúc địch chủ quan, Nguyễn Thị Chiên chỉ huy trung đội bất ngờ xông ra bắt sống 4 tên, trong đó có 1 tên quan hai và 3 lính Pháp.
Nguyễn Thị Chiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, 02 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1952, Nguyễn Thị Chiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng khẩu súng ngắn của Người.
Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Bắc (1-5-1952), Nguyễn Thị Chiên là nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Nguyễn Thị Chiên được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ở tuổi 22.
Nguyễn Thị Chiên là người phụ nữ Việt đầu tiên được Nhà nước ta được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Thị Chiên công tác tại Tổng cục Chính trị, Quân khu Thủ đô, được phong quân hàm Trung tá năm 1984 và thương tật hạng 4/4. Năm 2016, bà qua đời tại Hà Nội, thọ 86 tuổi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét