Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

GIẢI MÃ CƠN ÁC MỘNG VỚI KHÔNG QUÂN MỸ TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

 

Là lực lượng không quân lớn nhất thế giới, nhưng Không quân Mỹ lại thất bại trước thế trận phòng không nhân dân của quân và dân ta trong chiến tranh Việt Nam.
Trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng Phòng không-Không quân của miền Bắc Việt Nam với trang bị phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của các nước bạn đã lập nên được rất nhiều kỳ tích khi vừa có thể bảo vệ được vùng trời tổ quốc, vừa "vít cổ" được lực lượng không quân mạnh nhất thế giới thời điểm đó.
Rất khó để Không quân Mỹ có thể định hình được một trận địa phòng không trong chiến tranh Việt Nam vì mỗi một trận địa còn phụ thuộc vào địa hình, địa vật được triển khai. Tuy nhiên, mỗi một trận địa phòng không sẽ đều phải có đủ các loại vũ khí bao quát được "ba tầng".
Ba tầng đó là: Tầng cao, tầng trung và tầng thấp. Ở tầng cao nhất, các loại vũ khí hiện đại nhất thế giới như tên lửa đất đối không SAM-2 hay còn được gọi là S-75 Dvina, ở tầm trung sẽ là các loại pháo phòng không các cỡ, tên lửa phòng không vác vai và cuối cùng là tất cả các loại hỏa lực còn lại sẽ được huy động ở tầm thấp.
Với hỏa lực phòng không tầm thấp, các loại súng trường, súng tiểu liên, trung liên hay đại liên đều được huy động cho lực lượng dân quân, tự vệ hay học sinh sinh viên để cùng tham gia "lưới lửa bắt giặc bay".
Với hỏa lực phòng không tầm cao và tầm trung được bắn theo tọa độ đường bay, các phi công Mỹ chỉ cần tinh ý bay rời đội hình là hoàn toàn có thể thoát được sự truy bám của hệ thống phòng không này. Tuy nhiên, với kiểu phòng không tầm thấp với đủ các loại vũ khí cá nhân, pháo cao xạ các loại bắn không theo một quy luật nào thì các phi công Mỹ sẽ hoàn toàn bó tay, không biết phải né tránh như thế nào.
Lực lượng dân quân, tự vệ địa phương tham gia học nhắm bắn máy bay Mỹ bằng mô hình. Thời gian đầu của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, khi các loại tên lửa tầm cao vẫn được phía ta coi là "quý như vàng" thì nhiệm vụ phòng không chính vẫn được giao cho các lực lượng máy bay tiêm kích MiG-17, MiG-21 và các loại pháo cao xạ cùng vũ khí cá nhân.
Cũng trong giai đoạn này, các loại bom thông minh, bom dẫn đường vẫn chưa được Mỹ sử dụng trên chiến trường Việt Nam, dẫn đến việc, muốn thả bom trúng một mục tiêu quá nhỏ như một cây cầu, một khu nhà xưởng hay một ngã ba, ngã tư đường thì phi công Mỹ bắt buộc phải thực hiện động tác bay bổ nhào cắt bom.
Khi bổ nhào, nếu phi công cắt bom quá sớm, trái bom sẽ bị gió thổi bay lệch hướng, lệch khỏi mục tiêu từ vài chục cho tới hàng trăm mét. Ngay cả khi chiến đấu cơ của Mỹ được trang bị máy tính đường đạn thì việc cắt bom "ngu" tấn công chính xác mục tiêu chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Và đó chính là lúc hệ thống phòng không tầm trung và tầm thấp của ta với các loại pháo phòng không như 57 ly, 37 ly, 14,5 ly, 12,7 ly,... bắt đầu phát huy tác dụng. Thấp hơn một chút nữa, ở khoảng cách dưới 500 mét, lực lượng của ta còn có đủ các loại vũ khí cá nhân từ súng máy, súng trường, súng trung liên, đại liên,...đan thành lưới lửa vây bắt kẻ thù.
Chính nhờ những trận địa phòng không nhân dân này, với đầy đủ các tầng lớp nhân dân từ thanh niên cho tới các ông, các bà cụ đã cùng nhau tham gia đánh hạ máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc, khiến ngay cả các phi công Mỹ dày dạn kinh nghiệm chiến đấu nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai hay chiến tranh Triều Tiên phải kinh sợ.
Giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mỹ đã đạt được một số lợi thế chiến lược nhất định,... Tuy nhiên, chúng cũng phải trả một cái giá rất đắt khi mất tới tổng cộng 3.243 máy bay các loại.
Mãi cho tới khi Mỹ triển khai chiến lược chiến tranh hiện đại, với trọng tâm là các loại vũ khí tấn công tiên tiến, cùng với việc sử dụng các loại bom thông minh có thể tấn công chính xác mục tiêu ở tầm cao, thì các loại vũ khí tầm trung và thấp của phía ta dần mất đi tính hiệu quả. Tuy vậy, ở một số trường hợp khi máy bay Mỹ cơ động hạ thấp độ cao để tránh tầm tên lửa và vượt ra khỏi trận địa phòng không, thì các loại vũ khí phòng không tầm thấp lại có thể tiếp tục vai trò của mình.
Và kẻ có nhiệm vụ "lùa" các máy bay Mỹ buộc phải hạ thấp độ cao để tạo cơ hội cho các loại vũ khí khác tiêu diệt chúng chính là hệ thống tên lửa SAM-2 hay còn có tên gọi là S-75. Đây là loại vũ khí được Liên Xô viện trợ hoàn toàn cho Việt Nam, mặc dù vậy, ta đã khiến các chuyên gia Liên Xô phải ngã mũ bái phục khi sử dụng loại tên lửa này một cách sáng tạo, sáng tạo đến mức ngay cả các kỹ sư thiết kế ra SAM-2 cũng không thể tưởng tượng ra được và đòi sang tận Việt Nam, ra tận trận địa tên lửa của ta để "thị phạm".
Tính tổng cộng toàn cuộc chiến, quân và dân ta đã bắn rơi tổng cộng khoảng 10.000 máy bay các loại trên bầu trời Việt Nam (con số trên không bao gồm các loại trực thăng và máy bay không người lái).
Trong đó, chỉ tính riêng trận Điện Biên Phủ trên không kéo dài vỏn vẹn 12 ngày đêm, phía Mỹ đã bị ta bắn rơi 81 chiếc máy bay các loại, trong đó có tới 34 chiếc B-52, 4 chiếc F-111 (loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất lúc đó).
Đây là một chiến tích phi thường, được ghi lại trong tất cả các tài liệu giảng dạy dành cho lực lượng Phòng không-không quân trên thế giới./.ST
Nguồn: Báo Khoa học & Phát triển
5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét