Tờ South China Morning Post ngày 1.9 dẫn lời giới chuyên môn cho rằng việc Trung Quốc hỗ trợ tài chính xây hàng loạt tháp viễn thông ở Quần đảo Solomon, cùng với việc quốc đảo này cấm tàu hải quân nước ngoài, cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương ngày càng sâu sắc.
Thủ tướng Quần đảo Solomon hôm 30.8 thông báo nước này tạm ngưng các chuyến thăm của tàu hải quân nước ngoài cho đến khi “sửa đổi cơ chế quốc gia” hiện tại đối với các tàu quân sự.
Thông cáo được đưa ra sau khi một tàu tuần duyên của Mỹ và một tàu hải quân của Anh không thể cập cảng tại Quần đảo Solomon. Thủ tướng Quần đảo Solomon Sogavare khẳng định rằng quy trình chứng nhận gặp trì hoãn.
Quyết định cấm tàu hải quân nước ngoài ghé thăm được đưa ra chỉ vài tuần sau khi hãng Huawei Technologies của Trung Quốc và nhà thầu China Habour Engineering ký thỏa thuận với Quần đảo Solomon về việc xây 161 tháp viễn thông di động tại đảo quốc này.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sẽ cho vay 448,9 triệu nhân dân tệ (1.526 tỉ đồng) trong 20 năm với lãi suất 1%. Đợt đầu sẽ có 48 tháp hoàn tất vào năm tới, trước khi Quần đảo Solomon tổ chức sự kiện thể thao 2023 Pacific Games lần đầu vào tháng 11.
Lời cảnh tỉnh
Những sự việc trên dường như khiến phương Tây lo ngại về vị trí của mình ở nam Thái Bình Dương và vai trò ngày càng nổi bật của Trung Quốc.
Theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, việc cấm tàu hải quân có thể cho thấy Thủ tướng Sogavare đã mệt mỏi với những áp lực xoay quanh thỏa thuận với Trung Quốc vào tháng 4.
Mỹ và Úc cho rằng thỏa thuận trên sẽ gây bất ổn trong khu vực. Nam Thái Bình Dương từ lâu đã là khu vực chiến lược của Mỹ, quốc gia có các vùng lãnh thổ tại những khu vực như Guam và Hiệp ước Liên kết tự do với Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau.
Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, chính phủ Mỹ qua các nhiệm kỳ không tập trung nhiều vào nam Thái Bình Dương, trong khi viện trợ và đầu tư khu vực chủ yếu do Úc và New Zealand. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng.
Việc đặt chân ở Quần đảo Solomon sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát các tuyến hàng hải và “cắt đứt” các đồng minh của Mỹ ở nam Thái Bình Dương, theo ông Malcolm Davis, nhà phân tích chiến lược quốc phòng tại Viện Chính sách chiến lược Úc ở Canberra.
\n
Ông cho rằng thỏa thuận viễn thông thể hiện “sự thay đổi địa chính trị”, đồng nghĩa với việc chính quyền của Thủ tướng Sogavare đang nghiêng về phía Bắc Kinh. “Hợp đồng đó là lời cảnh tỉnh cho Mỹ và Úc”, theo ông Thayer.
“Quần đảo Solomon muốn Úc viện trợ những dự án đã xác định trong hơn 10 năm”, ông nhận định.
Ông Davis cho rằng Úc cố gắng gia tăng viện trợ trong khu vực, nhưng do một số quy định trong nước nên không thể “bay đến với những va li đầy tiền” như Trung Quốc.
Hồi tháng 7, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố những cam kết mới đối với nam Thái Bình Dương nhằm đối phó Trung Quốc, bao gồm việc xây các đại sứ quán mới và viện trợ 60 triệu USD hằng năm cho các dự án về khí hậu và bảo tồn đại dương.
Nhằm vào điểm yếu
Theo chuyên gia Austin Strange tại Đại học Hồng Kông, các tháp viễn thông sẽ giúp Quần đảo Solomon mở rộng phạm vi bao phủ internet, do đảo quốc này hiện thiếu hạ tầng viễn thông và kỹ thuật số, cũng như nhiều đảo quốc trong khu vực.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Quần đảo Solomon cho rằng hạ tầng đang “tụt hậu” và là “nút thắt cổ chai” đối với sự phát triển xã hội ở quốc đảo này. Ông Strange cho rằng việc tổ chức Pacific Games vào năm tới đưa ra cơ hội cho chính phủ Quần đảo Solomon hoàn thành các tháp viễn thông.
“Những dự án như thế sẽ giúp chính phủ nước chủ nhà thể hiện rằng họ có thể cung cấp hạ tầng hiện đại”, ông phân tích.
Trong khi đó, chính phủ Quần đảo Solomon cho biết những tháp viễn thông sẽ giúp đem lại doanh thu đủ trả nợ và lãi cho Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét