Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

NHỮNG LUẬN ĐIỂM CƠ BẢN VỀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

 


Một trong những nội dung quan trọng trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư xoay quanh những vấn đề lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam. Bài viết dựa trên nền tảng thế giới quan khoa học và phương pháp luận biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn phong phú, sinh động của Việt Nam trong xây dựng CNXH. Trong đó nổi bật lên các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sự khái quát cao về nhận thức CNXH Việt Nam từ thực tiễn Đổi mới của nước ta và từ những thành công cũng như thất bại của một số nước trên thế giới. Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư đã khái quát thành đặc điểm riêng có của CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng.

Đó là phải là vì con người, vì cuộc sống của nhân dân chứ không phải vì lợi nhuận của một nhóm người nào; Nội hàm của CNXH Việt Nam là xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, chăm lo an sinh xã hội, đó là lợi ích của nhân dân; hay như nhận định CNXH Việt Nam là sự hoàn thiện hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng nhà nước pháp quyền và phân biệt rõ giữa Nhà nước pháp quyền xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) với nhà nước pháp quyền tư sản cũng là một điểm mới được làm rõ trong bài viết.

Từ đó, Tổng Bí thư khẳng định con đường đi lên CNXH Việt Nam là một chặng đường rất dài; mỗi chặng đường đi trải qua những bước đi cụ thể, với những hình thức, biện pháp cụ thể; cùng với đó, phải tiếp tục tổng kết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Kết nối với thời điểm hiện nay, khi nước ta đang nỗ lực triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, bài viết của Tổng Bí thư có tính định hướng quan trọng để Đảng và Nhà nước, nhất là bộ máy nhà nước pháp quyền không ngừng hoàn thiện để có trách nhiệm lịch sử, từ đó thể chế và hiện thực hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH mà Đại hội XI đã bổ sung, phát triển.

Thứ hai, đi lên CNXH phải đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa là giải pháp để đạt mục tiêu, vừa là nhiệm vụ cần thực hiện trong suốt chặng đường phát triển đất nước.

Xây dựng CNXH theo Tổng Bí thư đó là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, đó là không giống với bất kỳ một mô hình nào trên thế giới. Những điều đó mang tính chất đặc trưng riêng của Việt Nam, chỉ của Việt Nam. Từ đó, Tổng Bí thư khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”(1). Cả lý luận và thực tiễn chứng minh nhận định trên của Tổng Bí thư là hoàn toàn đúng đắn. Vì vậy, Tổng Bí thư đã cụ thể hóa nhận thức của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN: Chính là “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(2).

Thứ ba, trên con đường xây dựng CNXH, phải coi văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Luận bàn về văn hóa trong CNXH, Tổng Bí Thư nhấn mạnh: “Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá nhân loại”(3). Theo Tổng Bí thư, nền văn hóa Việt Nam có nội dung là đậm đà bản sắc dân tộc, tâm hồn dân tộc, lối sống, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc được bảo tồn, lưu truyền, kết nối với những giá trị, những xu hướng tiến bộ chung của nhân loại hiện nay. Tổng Bí thư đã quán triệt quan điểm của Đảng về trọng tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Trong đó, coi phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Thứ tư, chế độ chính trị và cơ chế vận hành tổng quát trong mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ.

Mối quan hệ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” là vấn đề lớn, cơ bản, có ý nghĩa bao trùm, xuyên suốt cho quá trình vận hành của hệ thống chính trị; giải quyết tốt mối quan hệ này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Chính vì lẽ đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa đảng, nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”(4).

Thứ năm, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khi bàn về vai trò lãnh đạo của Đảng, Tổng Bí thư đã đưa ra nội dung đánh giá có tính định hướng chiến lược về công tác xây dựng Đảng nói chung, về vai trò lãnh đạo của Đảng với tiến trình cách mạng, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng XHCN nói riêng. Theo đồng chí Bí thư: “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng XHCN, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ XHCN”(5). Phân tích ý nghĩa những thành quả sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cả những mặt hạn chế về kinh tế-xã hội trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, người lãnh đạo cao nhất của Đảng khẳng định: “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng CNXH là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân”(6).

Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng sau hơn 35 năm qua là minh chứng hùng hồn chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới, bảo đảm đất nước phát triển bền vững, theo đúng định hướng XHCN. Đó là cơ sở, nền tảng để tiếp tục xây dựng dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét