NỮ TƯỚNG HUYỀN THOẠI
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh từng có nhiều lời khen ngợi cho các tướng lĩnh Quân đội ta. Tuy nhiên, nữ tướng tóc dài thì không có nhiều. Thiếu tướng Nguyễn Thị Định là người đầu tiên và duy nhất từng được Bác nhắc đến với niềm tự hào khôn tả. Vào năm 1965, Bác từng nói: "Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta". Nếu đại tướng Võ Nguyên Giáp là đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam thì bà Nguyễn Thị Định cũng không kém, khi bà là vị nữ tướng đầu tiên trong Quân đội. Tuy cấp bậc không giống nhau nhưng so sánh những người phụ nữ cùng thời và cả ngay bây giờ thì cuộc đời của bà xứng đáng là một huyền thoại, được đưa vào sử sách muôn đời.
Là người thành lập đội quân tóc dài giương cao khẩu hiệu: "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Tên tuổi của bà gắn liền với "tàu không số" đầu tiên, với Đồng Khởi Bến Tre vang dội. Cuộc đời của bà oanh liệt đến nỗi, nhà sử học Trần Văn Giàu đã từng thốt lên "sống làm tướng, chết làm thần".
Bà sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Sống vào thời đất nước bị bàn chân quân thù chà đạp, bà Định không muốn sống một cuộc đời an phận, mất tự do như những người con gái khác. Chính vì vậy, bà bắt chước cánh mày râu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, và cũng chỉ mất có 2 năm, bà đã vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Chính sự kiện này đã làm thay đổi sâu sắc tư tưởng của người con gái Bến Tre. Bà tin rằng: đàn ông có thể đánh giặc thì bà cũng có thể đánh giặc, đàn ông có thể lãnh đạo quần chúng đấu tranh thì bà cũng có thể lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Nói chung chỉ có những việc phụ nữ làm được mà đàn ông không làm được chứ không có việc gì mà đàn ông làm được mà phụ nữ không làm được cả. Thế mới nói, tư duy nữ quyền không phải đến bây giờ mới xuất hiện mà đã được hình thành trong nhận thức của một người phụ nữ ngỡ bình thường nhưng cực kỳ phi thường Nguyễn Thị Định. Tuy tham gia hoạt động cách mạng nhưng bà cũng không quên quyền và nghĩa vụ của của một người phụ nữ - lấy chồng và sinh con. Chồng của bà cũng là người của cách mạng. Khi con được 3 ngày tuổi thì ông bị bắt, người vợ một mình ẵm con đi thăm chồng được một lần rồi cũng bị bắt khi đứa trẻ chưa đầy 7 tháng tuổi. Bà Định bị biệt giam rồi sau bị đày lên Bà Rá. Trong 3 năm bị giam cầm khổ ải ở đây, bà Định nhận được tin chồng mất. Những tưởng người phụ nữ này sẽ suy sụp nhưng không, bà nén đau thương cùng với các đồng chí cách mạng khác, biến nhà tù thành trường học. Về quãng thời gian học trong lao tù, bà từng chia sẻ: "Lên Bà Rá, tôi như được dự một lớp huấn luyện chính quy. Ở đó có bao anh chị đã dạy tôi, ở đó có những giáo sư đỏ". Sau khi "đi học" trở về, bà về lại Bến Tre tiếp tục hoạt động và tham gia cướp chính quyền năm 1945. Tháng 3/1946, bà cùng một số đồng đội làm cuộc hành trình bằng ghe bầu vượt biển ra Bắc để báo cáo tình hình chiến trường và xin vũ khí từ Bắc vào Nam. Chính bà Nguyễn Thị Định là thuyền trưởng đầu tiên chỉ huy "tàu không số huyền thoại" chở 12 tấn vũ khí từ miền Bắc cập bến A.101 xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre để chi viện cho chiến trường miền Nam, tạo tiền đề cho sự hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này.
Về lại Bến Tre năm 1947, bà được bầu vào tỉnh ủy. Năm 1951 - thời kỳ gian khó nhất của tỉnh, bà được tăng cường về lãnh đạo huyện Mỏ Cày. Có thời điểm phải rời địa bàn đang đứng chân đến đất Trà Vinh - Vĩnh Long.
Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, bà được cử ở lại miền Nam hoạt động bí mật trong điều kiện cực kỳ khó khăn gian khổ, biết bao lần vào sinh ra tử. Nhờ sự yêu thương đùm bọc của nhân dân, bà mới được an toàn. Sau những lần được nhân dân chở che như thế, bà càng quyết tâm cùng các đồng chí cách mạng của mình phải giải phóng cho bằng được nhân dân khỏi ách lầm than. Chính bà là người gọi cuộc nổi dậy khởi nghĩa tại Bến Tre bằng khái niệm "Đồng Khởi" đầu tiên và là người chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng Khởi đợt 1 ngày 17/01/1960. Từ phong trào Đồng Khởi đã khai sinh ra "đội quân tóc dài" với thủ lĩnh là bà.
Nguyễn Thị Định gắn liền với phương thức đánh địch bằng "3 mũi giáp công", chính trị kết hợp với vũ trang và binh vận. Từ thời hai bà Trưng bà Triệu người ta mới thấy một người phụ nữ đứng ra lãnh đạo phong trào khởi nghĩa. Thời điểm ấy, bà không cưỡi voi ra trận nhưng với kỹ thuật đánh giặc của bà, ai cũng phải ngã mũ chào thua. Bà hoàn toàn xứng đáng với 4 chữ "Nữ trung hào kiệt". Không những thế, cách đánh địch sáng tạo tuyệt vời của chiến tranh nhân dân do bà lãnh đạo đã nhanh chóng lan ra toàn miền Nam làm thất bại hết chiến lược chiến tranh này đến chiến lược chiến tranh khác của Mỹ ngụy dẫn đến sụp đổ hoàn toàn vào ngày 30/4/1975. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lúc này là bí thư Trung ương cục miền Nam từng tấm tắc khen: "Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ tư lệnh đánh Mỹ". Cũng chính Đại tướng đã mời bà sang Bộ tư lệnh miền Nam giao nhiệm vụ "Bác Hồ và Bộ chính trị quyết định rút chị lên làm Phó tư lệnh quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngoài công tác chung, Bộ tư lệnh phân công chị theo dõi phong trào đấu tranh du kích, đấu tranh chính trị". Bà giữ cương vị này từ năm 1965-1974, chính thức được phong quân hàm thiếu tướng. Từ năm 1965-1975, bà đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Sự có mặt của bà trong Bộ chỉ huy miền Nam đã góp phần làm cho cái nhìn của lãnh đạo chỉ huy thấu đáo hơn trong lãnh đạo cuộc đấu tranh nhân dân. Mùa xuân năm 1975, trong năm cánh quân rầm rập tiến vào giải phóng Sài Gòn có nữ tướng Nguyễn Thị Định trong vai trò Phó tổng tư lệnh Quân Giải phóng. Về phía chính quyền nhân dân, ấn tượng về vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam lại vô cùng giản dị "Bà thường không mặc quân phục, không mang quân hàm dù phòng quân trang đo may cho bà những bộ quân phục rất đẹp để tiếp khách quốc tế. Trong vùng căn cứ, thỉnh thoảng cũng có đoàn khách nước ngoài, nhà báo, nhà văn đến thăm để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và chia sẻ khó khăn với Trung ương cục trong kháng chiến chống Mỹ. Trang phục mà nữ tướng thường mặc là bộ quần áo bà ba đen, đôi khi màu cỏ úa, màu kem nhạt, khăn rằn quàng cổ, nón lá, đi dép râu, vai đeo túi để sẵn sàng lấy ra cây kim sợi chỉ vá áo cho bộ đội, lấy viên thuốc miếng đường cho chiến sĩ nào lên cơn sốt. Nơi nào có chị Ba, nơi đó cuộc sống của chiến sĩ được cải thiện. Trong rừng sâu, bà biết cách chế biến bột mì thành món bánh bao tuyệt hảo. Bà đồng cảm cộng khổ với chiến sĩ, bà tập đi xe đạp, băng ra đường rừng dài hun hút để ra mặt trận. Năm 1968, bà được Nhà nước Liên Xô trao giải thưởng Hoà bình quốc tế Lê-nin.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước: ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Đại biểu Quốc hội các Khóa VI, VII, VIII, đồng thời giữ nhiều chức vụ như Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Bí thư Đảng đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước, Chủ tịch Hội Hữu nghị VN - Cu Ba. Bà đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới toàn diện Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là đổi mới hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước.
Ngày 30.8.1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau 56 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, bà Nguyễn Thị Định qua đời vào ngày 26.8.1992, hưởng thọ 72 tuổi.
Phụ nữ Việt Nam là thế đấy, luôn phát huy truyền thống vẻ vang trong các cuộc kháng chiến cứu nước, đã có nhiều tấm gương xả thân chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, viết nên tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, họ đã, đang và sẽ tiếp tục góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta đời đời bền ./.
vubao25-st
22
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét