Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

ĐỌC ĐỂ HIỂU HƠN


Năm 1945, khi cuộc Cách mạng tháng Tám thành công thì tôi mới lên 8. Mới tám tuổi thì hiểu được điều gì? Chỉ thấy người vui thì ta cũng vui thôi. Thấy vui vì các bà cô bà chị tôi của tôi, buộc túm hai ống quần rồi xếp hàng trong sân, bước đều theo tiềng hô một-hai, một-hai hàng đêm.
Nhưng cái nạn đói vào tháng Ba trước đó thì tôi cảm nhận được. Mỗi bữa chỉ có một bát cháo loãng, tôi chẳng biết như thế là tốt hay không tốt và tại sao lại phải ăn như vậy? Chỉ thấy anh trai tôi, mỗi lần bưng bát cháo lên là vừa khóc vừa nói: “cháo toàn nước, đi đái vài lần là hết!”.
Trước đó, cô ruột tôi lấy chồng ở xã khác. Nhà cô ấy có năm miệng ăn mà chẳng còn gì để bỏ vào miệng. Mẹ tôi và bác tôi cưu mang hai bà chị con của cô tôi, mặc dù chỉ có bát cháo loãng song vẫn có thể sống được. Còn vợ chồng cô tôi cùng người con trai thì không còn gì bỏ vào miệng, đành phải chết vì đói.
Lớn lên, tôi mới biết, trận đói năm ấy đã cướp đi của miền bắc (từ Quảng Trị trở ra) hơn hai triệu sinh mạng. Song cũng chỉ biết thế. Nghe nói thị trấn Tân Đệ của huyện tôi, cứ mỗi buổi sáng lại có chiếc xe người kéo, trên xe chất đầy xác chết mà người ta lượm trên phố huyện. Bên dưới lớp chiếu phủ là những xác người, chỉ thò ra những cái chân, lắc lư theo nhịp bánh xe quay, như muốn vẫy chào từ biệt người ở lại.
Một cái hố lớn được đào sẵn, người kéo xe chỉ cần nâng hai càng xe lên là các xác người đã rơi xuống đó để rồi người ta rắc lên một ít vôi bột và lấp đất.
Vừa rồi, đọc cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam” (hình dưới) do giáo sư Văn Tạo và giáo sư Furuta Motoo (Nhật) sưu tầm tài liệu và biên soạn, mới thấy nạn đói năm đó mới khủng khiếp làm sao, nó nằm ngoài sự tưởng tượng ngay cả đối với những người trong cuộc.
Trong một tài liệu có tiêu đề là, “Bằng chứng và tư liệu Pháp có liên quan tới chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam” (Témoignages et documents à la colonisation francaise au Viet Nam) được phổ biến năm 1949, đã viết:
“Nạn đói to lớn năm 1944 -1945 đã cướp đi hai triệu người là kết quả không tránh khỏi của một đường lối chính trị có dụng ý theo đuổi một mục đích kép:
Một, Mục đích chính là: Làm chết một bộ phận quan trọng dân chúng và nhấn chìm số còn lại trong nạn đói; đó là cái dây phanh hữu hiệu để hãm bớt nhiệt tình yêu nước mà thống sứ Bắc kỳ Sauvere đã tìm thấy.
Hai, Mục đích kinh tế là:
a) Cho phép một vài công ty Pháp (Denis Frères), Nhật (Mitsui, Mitsubishi), v.v. tích trữ hàng triệu tấn gạo được mua với giá rẻ để rồi bán lại với giá đắt như vàng.
b) Dễ dàng tuyển mộ những cu-li cho các đồn điền và hầm mỏ”.
Cũng cần nhắc lại là, thời kỳ đó, chín mươi phần trăm dân số nước ta làm nghề nông, ruộng đất hầu như tập trung vào tay các gia đình địa chủ, mà họ chỉ chiếm một tỷ lệ dân số thấp. Mỗi làng chưa thể có được 10 gia đình địa chủ. Vì thế mà người nông dân không có ruộng, đã làm nông mà không có ruộng thì sống thế nào?
Ngày đó, tôi còn nhỏ, song vẫn nghe và thuộc những câu hát như: “Tháng Ba ngày Tám rau cháo cầm hơi. Nhớ mùa vưa qua, lúa ta về nhà ai?”. Gia đình tôi là một gia đình có truyền thống khoa bảng thời phong kiến thuộc địa, cũng vì thế mà có thể trở nên giàu có, và cũng có mấy gia đình trong họ trở thành địa chủ vì là quan lại của chế độ thuộc địa. Nhiều người nói, công cuộc cải cách ruộng đất có nhiều sai lầm. Chắc chắn là có. Cuộc cách mạng nào mà không có những sai lầm? Tuy nhiên, trong các gia đình địa chủ thuộc họ nhà tôi thì chưa có một ai bị xử lý sai. Vậy có thể có chuyện nơi này làm sai và nơi kia làm đúng. Và đôi khi việc đánh giá sai hay đúng còn tùy thuộc vào nguồn gốc xuất thân và chỗ đứng của người đó nữa.
Đã bước vào tháng Tám, ở nông thôn người ta gọi là tháng “giáp hạt”, là tháng thường gây ra nạn đói. Nhưng ngày nay thì không còn tình trạng cả làng thiếu ăn dẫn đế chết đói nữa. Thôi thì cũng gọi là “ôn cố tri tân”. Trước khi kết thúc bài viết này, tôi xin trích bốn câu trong bài “Truy điệu những lương dân chết đói” của nhà văn Vũ Khiêu viết vào tháng Ba, 1945:
“Một cơn gió bụi vừa tan
Hai triệu sinh linh đã mất
Khí oan tối cả mây trời
Thây lạnh phơi đầy cỏ đất...”./.
vubao8-st
Hình trong bài: Bìa cuốn sách “Nạn đói năm 1945”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét