Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Phát hiện hệ thống tinh vi giúp tàu Trung Quốc che giấu “hoạt động mờ ám”


Mới đây, các nhà nghiên cứu vừa phát hiện nhiều tàu Trung Quốc đã phát đi vị trí giả trên hệ thống để thực hiện các hoạt động mờ ám hoặc thậm chí là trái phép. Điều này có thể tác động sâu sắc đến việc thực thi pháp luật quốc tế.

Trung Quốc đang triển khai hàng loạt tàu lặn không người lái cỡ cực lớn tại Biển Đông. Các tàu này có thiết kế tương tự, nhưng dài gấp đôi tàu lặn không người lái cỡ lớn HSU-001 (ảnh) hiện đang trong biên chế hải quân Trung Quốc.

Tàu lặn trái phép

Theo ảnh vệ tinh ngày 19/9, Trung Quốc đang thử nghiệm tàu lặn không người lái cỡ cực lớn (XLUUV) tại căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam. Trung Quốc dường như đang triển khai hàng loạt loại tàu lặn này ở Biển Đông.

Trang Naval News (Mỹ) tiết lộ, hai tàu lặn đã có mặt tại Tam Á từ tháng 3 và tháng 4/2021, song gần đây vệ tinh mới phát hiện vị trí tàu lặn ở gần khu vực Trung Quốc đã từng thử nghiệm tàu ngầm hạng trung.

Về kích thước, tàu lặn trên nhỏ hơn nhiều so với tàu ngầm thông thường, nhưng lại lớn hơn thiết bị vận chuyển người nhái. Theo chuyên gia quốc phòng H. I. Sutton, một chiếc XLUUV thường dài 16m, rộng 2m và đuôi có 2 chân vịt. Tàu được thiết kế tương tự tàu lặn tự lái cỡ lớn HSU-001 của Hải quân Trung Quốc, nhưng có kích thước lớn hơn gấp 2 lần. Giới quan sát cũng cho rằng không loại trừ khả năng Trung Quốc đang thử nghiệm để phát triển thiết bị tối ưu nhất bởi các chiếc tàu này có kích thước và thiết kế khác nhau.

Nhà phân tích H. I. Sutton cũng cho biết, các loại tàu lặn không người lái có thể làm nhiệm vụ như tình báo, giám sát và do thám, thậm chí rải thủy lôi hay tác chiến chống tàu ngầm. Kích thước lớn giúp các phương tiện có khả năng mở rộng phạm vi hoạt động.

Hệ thống “qua mặt” tinh vi

Không chỉ tàu lặn, trang Naval News còn công bố một hệ thống tinh vi mà các tàu cá Trung Quốc sử dụng để che giấu các hoạt động mờ ám trên Biển Đông.

Theo nghiên cứu, hồi tháng 12/2021, con tàu chở dầu có tên Reliable xuất hiện tại cầu cảng ở Venezuela. Nó đi qua hàng loạt con tàu bỏ hoang khác cũng neo đậu ở vùng biển Caribe.

Tuy nhiên, trên màn hình máy tính, tàu Reliable lại hiển thị vị trí cách đó gần 300 hải lý. Theo dữ liệu định vị vệ tinh do Reliable truyền tải, con tàu chưa đến Venezuela trong ít nhất một thập kỷ.

Các nhà nghiên cứu dữ liệu vận chuyển đã xác định được hàng trăm trường hợp như Reliable. Những con tàu này đã truyền đi tọa độ vị trí giả để thực hiện các hoạt động kinh doanh mờ ám và thậm chí là bất hợp pháp, đồng thời lách luật và lệnh trừng phạt quốc tế.

Trong năm qua, công ty dữ liệu hàng hải Windward, đã phát hiện hơn 500 trường hợp tàu thao túng hệ thống định vị vệ tinh để che giấu vị trí thực tế.

Các tàu thực hiện hành vi lừa dối đó bằng cách áp dụng một công nghệ mà cho đến gần đây vẫn chỉ được các lực lượng hải quân tiên tiến thế giới sử dụng.

Về bản chất, công nghệ này có tác dụng như ứng dụng VPN, khiến cho con tàu hiển thị vị trí ở một nơi, trong khi trên thực tế nó đang ở nơi khác.

Không chỉ ở Biển Đông, các đội tàu đánh cá của Trung Quốc cũng áp dụng chiến thuật tương tự để che giấu hoạt động ở các vùng biển ngoài khơi Nam Mỹ. Một quan chức tình báo Mỹ cho biết chiến thuật trên còn được sử dụng để buôn lậu vũ khí và ma túy.

Sau khi phát hiện ra hành vi gian lận ở gần các quốc gia bị trừng phạt, Windward đã chứng kiến ​​chiến thuật này lan đến tận Australia và Nam Cực.

“Mọi thứ đã diễn ra với tốc độ đáng kinh ngạc và đáng sợ”, ông Matan Peled, người sáng lập Windward, cho biết.

Theo một nghị quyết về hàng hải của Liên Hợp Quốc được gần 200 quốc gia ký vào năm 2015, tất cả tàu lớn phải sở hữu và vận hành thiết bị phát đáp tín hiệu vệ tinh. Đây là hệ thống nhận dạng tự động (AIS), truyền dữ liệu nhận dạng và vị trí điều hướng của tàu.

Dana Goward, cựu quan chức cấp cao của Lực lượng Tuần duyên Mỹ, nhận định rằng hành vi thao túng AIS lan rộng cho thấy việc qua mặt công nghệ GPS (hệ thống định vị toàn cầu) dễ dàng như thế nào.

Bên cạnh đó, giới chức tình báo Mỹ xác nhận rằng sự phổ biến của công nghệ thao túng AIS là một vấn đề đối với an ninh quốc gia. Đây cũng là kỹ xảo phổ biến của các quốc gia bị trừng phạt.

Giới chức cho biết Trung Quốc trong những năm gần đây cũng có nhiều hoạt động thao túng AIS tinh vi, cố gắng che giấu các hoạt động bất hợp pháp của những đội tàu cá khổng lồ.

Tốc độ phát triển cực nhanh

Các nhà nghiên cứu của Windward nhận ra công nghệ giả mạo tín hiệu vệ tinh đang phát triển với tốc độ cực nhanh.

Theo Windward, công nghệ giả mạo tín hiệu vệ tinh đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, nhưng trước đây chỉ được sử dụng trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, trong hai năm qua, bộ phát đáp AIS chuyên dụng trong quân sự, hoặc ít nhất là phần mềm có tính năng tương tự, dường như đã được bán trên thị trường chợ đen.

Nó được phổ biến nhanh chóng trong giới buôn bán hàng hóa bất hợp pháp và các quốc gia bị trừng phạt.

Ông Peled cho biết trong tương lai, công nghệ này cũng có thể được dùng cho các máy bay, vốn sử dụng bộ thu tín hiệu vệ tinh tương tự AIS. Điều đó có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động khủng bố, buôn lậu và khả năng vượt biên.

“Không phải là vấn đề nếu, mà là khi nào”, ông nói.

Việc nhiều con tàu tìm cách che giấu hành trình đã xuất hiện từ lâu. Sau khi các hệ thống định vị vệ tinh trở nên phổ biến vào những năm 2000, nhiều con tàu thích nghi bằng cách tắt thiết bị theo dõi, trong khi thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.

Ông Salzman nhận định, các hoạt động thao túng AIS gia tăng đã có lợi cho những kẻ gian lận vì cho phép họ thực hiện hoạt động kinh doanh bất chính, trong khi vẫn giữ được vỏ bọc chính đáng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét