Chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đang được triển khai mạnh mẽ và nhà trường quân đội cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Tại Học viện Lục quân, đây được xác định là nhiệm vụ then chốt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Nhân dịp đầu năm học mới 2022-2023, Thiếu tướng, TS Đỗ Minh Xương, Giám đốc Học viện Lục quân chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về nội dung này.
Thiếu tướng, TS Đỗ Minh Xương. |
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, với xu thế số hóa mạnh mẽ trong lĩnh vực GD-ĐT hiện nay, Học viện Lục quân đã xác định và triển khai như thế nào?
Thiếu tướng, TS Đỗ Minh Xương: Học viện Lục quân là một trong những trung tâm GD-ĐT cán bộ, nghiên cứu khoa học quân sự lớn, có uy tín của quân đội. Những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc học viện đã chủ động nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về chuyển đổi số trong nhà trường quân đội và xây dựng nhà trường số; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai số hóa giáo trình, tài liệu, bài giảng, xây dựng cơ sở dữ liệu một cách chặt chẽ, có nền nếp và đạt hiệu quả thiết thực. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên được quán triệt và nhận thức sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý, chỉ huy đơn vị. Học viện cũng luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, giảng viên, học viên; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong GD-ĐT.
Sử dụng công nghệ mô phỏng 2D, 3D trong diễn tập một bên, hai cấp cho học viên hệ trung, sư tại Học viện Lục quân. |
PV: Kết quả nổi bật nào đã khẳng định Học viện Lục quân là một trong những nhà trường quân đội đi tiên phong trong công tác số hóa, thưa đồng chí?
Thiếu tướng, TS Đỗ Minh Xương: Hiện nay, tại Học viện Lục quân đã có cơ sở hạ tầng CNTT được tạo lập và bảo đảm kết nối dữ liệu đến tất cả cơ quan, khoa, hệ quản lý học viên. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung được bảo đảm tốt, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Học viện đã đưa vào sử dụng rộng rãi hệ thống giảng dạy trực tuyến cho nhiều khối lớp. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên cơ bản sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ giảng dạy, học tập, luyện tập, diễn tập, như: Soạn thảo văn bản; trình chiếu PowerPoint; vẽ bản đồ 2D-Microstation; trình chiếu bản đồ 3D-Dmax...
Học viện cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xây dựng thành công và đưa vào sử dụng hệ thống thư viện số dùng chung trong Bộ Quốc phòng để khai thác nguồn cơ sở dữ liệu từ các đơn vị, nhà trường trong toàn quân; số hóa các tạp chí, thông tin chuyên đề, thông tin phục vụ lãnh đạo (hơn 7.200 trang); thông tin nghe nhìn (730 phim). Thư viện số của Học viện Lục quân đã có hơn 1,2 triệu trang giáo trình, tài liệu, luận văn, luận án được số hóa; xây dựng hơn 11.000 biểu ghi, 46.000 biểu thư mục theo phương thức số hóa. Hệ thống tài liệu, giáo trình, bài giảng phục vụ đào tạo sau đại học đã số hóa xong và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả.
Cán bộ, học viên tiếp nhận nguồn tư liệu số phục vụ học tập, nghiên cứu.Ảnh: TIẾN LINH. |
PV: Được biết, cùng với số hóa, Học viện Lục quân đã ứng dụng hiệu quả công nghệ mô phỏng trong đào tạo, huấn luyện. Đồng chí có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm về lĩnh vực này?
Thiếu tướng, TS Đỗ Minh Xương: Từ năm 2012, Học viện Lục quân đã đưa bộ phần mềm mô phỏng tác chiến 2D, 3D (hệ thống phần mềm trợ giúp xây dựng văn kiện tác chiến trên không gian hai chiều, sau đó tự động được xuất sang không gian ba chiều để quan sát) vào sử dụng trong luyện tập, diễn tập của các khóa học. Nội dung trình bày sinh động, trực quan, giúp cán bộ, giảng viên, học viên dễ hiểu, dễ truyền đạt và nắm bắt nội dung, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thời điểm ban đầu, nhận thức của một số ít cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên về lĩnh vực số hóa và chuyển đổi số chưa sâu sắc, chưa toàn diện; phương tiện để số hóa, nhân lực chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa hiện đại; trình độ và khả năng ứng dụng CNTT của cán bộ, nhân viên có mặt còn hạn chế. Qua thực tiễn triển khai và những kết quả đạt được bước đầu, học viện đã rút ra một số kinh nghiệm: Một là, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện tốt sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác số hóa, chuyển đổi số, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; hai là, phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư-đây là khâu then chốt để số hóa và thực hiện chuyển đổi số; ba là, cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, phương tiện hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ; bốn là, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong học viện với các học viện, nhà trường, đơn vị trong toàn quân để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, liên kết, chia sẻ thông tin.
PV: Từ những kết quả đã đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra, công tác số hóa và áp dụng công nghệ số trong GD-ĐT sẽ được Học viện Lục quân tiếp tục triển khai như thế nào?
Thiếu tướng, TS Đỗ Minh Xương: Học viện Lục quân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác số hóa và áp dụng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT, nghiên cứu khoa học; trong đó, tập trung vào thực hiện một số nội dung, như: Tiếp tục giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên về công tác số hóa, chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả CNTT đi đôi với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về chuyển đổi số và xây dựng nhà trường thông minh đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bảo đảm tốt các trang thiết bị, hạ tầng CNTT cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học; ưu tiên trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ đào tạo, như: Thiết bị mô phỏng; các phòng học chuyên dùng, chuyên ngành; thư viện số...
Học viện tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel), các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các đơn vị trong toàn quân để đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong đào tạo; xây dựng học viện số theo từng giai đoạn cụ thể; đẩy mạnh xây dựng và chuyển giao phần mềm dạy học, phần mềm trong quản lý đào tạo; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và trang bị phương tiện hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên...
Với chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả, Học viện Lục quân quyết tâm hoàn thành tốt công tác số hóa và áp dụng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; xứng đáng là một trong những trung tâm GD-ĐT cán bộ quân sự trung, cao cấp và nghiên cứu khoa học quân sự uy tín của quân đội và đất nước, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
DUY VĂN (thực hiện)
nguồn báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét