Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.
Đó là, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và bảo đảm độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: Thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy...
Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.
Đặc biệt, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử nhưng chưa được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Thực tế đã có một số văn bản dưới luật quy định liên quan đến nội dung này nhưng chưa được luật hóa như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử…
"Việc quản lý, phát triển hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là không thể thiếu, vì đây là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế số; là trung gian giao dịch giữa người dùng cuối và người dùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để kiểm soát các nền tảng số có người dùng lớn và rất lớn nhằm hạn chế sự bất bình đẳng, sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lý giải.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quản lý nêu trên, đồng thời để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng bảo đảm thích ứng được với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì cần thiết phải xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Đáng chú ý, so với Luật Giao dịch điện tử 2005 thì dự án luật sửa đổi lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với việc mở rộng phạm vi song cho rằng “mở rộng đến đâu” thì ban soạn thảo cần tiếp tục có đánh giá tác động kỹ hơn.
Từ kinh nghiệm của quốc tế cũng cho thấy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những lĩnh vực mà Chính phủ đề xuất cần phải được xem xét thêm để phù hợp với điều kiện trong nước. Bởi nếu quy định quá tiến bộ trong khi không gắn với lộ trình cụ thể và thực tế hạ tầng không đáp ứng được thì cũng sẽ không thể bảo đảm tính khả thi.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định, xu hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh trong giao dịch điện tử là cần thiết; song nhấn mạnh, ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cân nhắc mức độ mở rộng, lộ trình thực hiện cho phù hợp, nghiên cứu học tập kỹ hơn kinh nghiệm quốc tế để bảo đảm cao nhất an ninh, an toàn giao dịch trên không gian mạng.
Ngoài ra, đặt vấn đề về xu hướng giao dịch điện tử, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là dự án luật đi sâu vào kỹ thuật, đặc thù nên cần rà soát kỹ để thuật ngữ trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để có dự thảo luật về một vấn đề mới, trừu tượng nhưng dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với công cuộc chuyển đổi số toàn dân và toàn diện; đồng thời tính toán kỹ tính khả thi, có tác dụng tích cực cho sự phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, nhiều quốc gia đi trước chúng ta khá lâu, kinh tế số chiếm 50-60% nền kinh tế, trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 12%, nên chúng ta có thể tham khảo được khá nhiều kinh nghiệm. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế (có bổ sung dẫn chứng cụ thể), các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, để nghiên cứu, chắt lọc các nội dung, bảo đảm theo kịp xu thế của thế giới mà vẫn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
Nguồn: Báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét