"Cái quý nhất của con người là đời sống. Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được vì tật bệnh vô lý hay một sự tình cờ bi đát nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời".
Ðó là đoạn văn miêu tả tâm trạng của Pavel trong nghĩa địa
quê hương, nơi những bạn bè bị quân thù treo cổ, khi anh vừa thoát khỏi cái chết
do bệnh thương hàn ở công trường Bayarka.
Ðoạn văn tiêu biểu cho nhân sinh quan cộng sản ấy đã được
nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới thuộc lòng và lấy làm châm ngôn sống.
Lý tưởng cao đẹp nhất - sự nghiệp đấu tranh giải phóng
loài người, không chỉ bó hẹp trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh giành chính
quyền, không chỉ ở phạm vi một quốc gia nào, mà càng ngày, chúng ta càng thấy
rõ sự nghiệp ấy chỉ mới bắt đầu. Nó không chỉ là một sự lựa chọn của một cá
nhân, một giai cấp mà là sự nghiệp thống nhất của nhân dân toàn thế giới. Sau
cuộc đấu tranh chống áp bức là cuộc đấu tranh chống đói nghèo bệnh tật, chống sự
kỳ thị, khủng bố..., cuộc đấu tranh để hoàn thiện bản thân và dân tộc. Chỉ khi
đó từ "giải phóng" mới có một ý nghĩa thật sự.
Vì vậy, "Thép đã tôi thế đấy" không chỉ là khúc
tráng ca về thế hệ đầu tiên của thanh niên Xô-viết, những con người đã được tôi
luyện trong lửa đỏ và nước lạnh như Pavel, Sergey, Valia, Rita, Pankratov,
Okuniev... mà là những vấn đề của hôm nay và của tương lai./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét