Trước sự
chống phá dai dẳng, quyết liệt trên lĩnh vực tư tưởng của các thế lực thù địch
hiện nay, chúng ta cần thực hiện đồng bộ hai nhiệm vụ “xây” và “chống” một cách
thường xuyên, lâu dài như “hai bánh xe” trên con đường trường chinh trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Trong các
lĩnh vực của chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch xác định mũi
nhọn chống phá chính là nền tảng tư tưởng của Đảng. Về điều này, từ năm 1988,
cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã nhấn mạnh trong cuốn sách "1999: Chiến
thắng không cần chiến tranh", rằng: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết
định nhất, toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan
hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”.
Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động đấu tranh làm
thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch. Trong nhiều nhiệm vụ Đảng ta
triển khai hiện nay, thiết nghĩ “xây” đi đôi với “chống” cần chú trọng thực
hiện đồng bộ.
“Xây” và
“chống” là hai nhiệm vụ mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên vận
dụng, triển khai. Trong mỗi phạm vi, hoàn cảnh, Bác lại đề ra cặp nhiệm vụ cụ
thể như: xây dựng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; xây dựng đời sống
mới, chống tàn dư lạc hậu trong đời sống cũ; xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống
chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc… Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách của Người, hiện nay “xây” và “chống” cũng là hai nhiệm vụ được Đảng ta đặc
biệt quan tâm. Cụ thể, trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), phần “Quan
điểm” Đảng ta đã xác định: “Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ
bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Trong đấu
tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, Bộ Chính trị cũng nhấn
mạnh hai nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 35 (khóa XII) là “bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng” và “đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”, điều
đó đồng nghĩa với “xây” và “chống”.
Với nhiệm
vụ “xây” trên mặt trận tư tưởng, Đảng ta xác định phải luôn giữ vững chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, tích cực học tập,
nghiên cứu, có bổ sung, phát triển phù hợp với thực tiễn; giữ vững vai trò lãnh
đạo của Đảng; đề ra đường lối đúng đắn, xác lập con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội sáng tỏ hơn… Vì vậy, toàn thể cán bộ, đảng viên phải nỗ lực học tập một
cách toàn diện; thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
nhằm “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản
thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp
dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn ở nước ta”. Đội ngũ chuyên gia
cần nỗ lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm bổ sung, phát triển học
thuyết Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đề ra đường lối phát triển phù hợp
từng giai đoạn, từng lĩnh vực, từng vùng miền; hoạch định con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội đúng đắn, sáng tỏ. Về điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã
nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần
phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ
nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm
sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc
hậu so với cuộc sống”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ “xây”, phải đặc biệt chú trọng
đến khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đó là
xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, những người
giữ vai trò lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu các cấp, các ngành đáp ứng
tốt yêu cầu thực tiễn.
Với nhiệm
vụ "chống” trên mặt trận tư tưởng,chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi trong
nhân dân, trong cán bộ, đảng viên về âm mưu, phương thức, thủ đoạn, cách thức
chống phá của các thế lực thù địch, từ đó đề cao cảnh giác và tổ chức đấu tranh
phản bác. Các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cần tăng cường kỷ cương,
kỷ luật, tích cực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đội ngũ cán bộ,
đảng viên phải giữ vai trò tiên phong, vừa đấu tranh phản bác, vừa tuyên
truyền, thuyết phục nhân dân. Đồng thời, cần xây dựng lực lượng chuyên trách
thường trực, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để triển khai
đấu tranh đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Cần xử lý nghiêm những đối tượng có biểu
hiện, hành vi chống phá Đảng và Nhà nước để tăng tính răn đe. Mặt khác, cần
chống các biểu hiện xơ cứng, chủ quan, giáo điều hoặc xa rời chủ nghĩa Mác -
Lênin.
Các thế
lực thù địch thực hiện tổng hợp các biện pháp chống phá thường xuyên, liên tục
theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đặc biệt, chúng tập trung vào những thời
điểm có các sự kiện lớn của đất nước, xuất hiện những sai phạm của cán bộ,
những sự cố về môi trường, thiên tai, dịch bệnh… Chúng dùng các phương tiện
truyền thông hiện đại, nhất là mạng Internet để tung tin xấu độc, sai trái, lặp
đi lặp lại nhằm gây mất niềm tin. Vì vậy, chúng ta cần hoàn thiện thể chế, xây
dựng lực lượng, bảo đảm cơ sở vật chất, nhất là truyền thông hiện đại, mạng
Internet để đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ các quan điểm sai trái, thù địch.
Nói chung,
“xây” và “chống” là hai nhiệm vụ cần triển khai đồng bộ, thường xuyên như “hai
bánh xe” trên con đường trường chinh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Bởi các thế lực thù địch sẽ không từ bỏ mục đích chống phá nhằm xóa bỏ chế độ
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, chúng ta đồng thời phải tiến hành nhiệm vụ
chiến lược, lâu dài là xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và nhiệm vụ
quan trọng, cấp bách là đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù
địch; trong đó, “xây” là cơ bản”, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả; “chống”
chính là để phục vụ cho “xây”.
Đa22
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét