Đoàn kết
lương giáo và những người có tín ngưỡng, tôn giáo với những người không theo
tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo tôn giáo khác nhau trong khối đại
đoàn kết dân tộc là quan điểm chủ đạo, bao trùm trong tư tưởng Hồ Chí Minh,
nhằm mục tiêu tối cao là đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp,
giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người đã chỉ ra cơ sở vững chắc của
khối đoàn kết dân tộc là lợi ích chung, mẫu số chung, điểm đại đồng để đoàn kết
mọi người Việt Nam, giáo cũng như lương, đó là “nước ta được hoàn toàn độc lập,
dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được
học hành”. Từ đó, Người tin
tưởng, tôn trọng đồng bào các tôn giáo, hướng họ vào công cuộc kháng chiến,
kiến quốc. Người kêu gọi phải đoàn kết, không phân biệt tôn giáo,
đảng phái, già, trẻ, gái, trai... “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn
là đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ
đoạn chính trị... Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng
sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Và Người đã tổng kết thành chân lý: Đoàn
kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết. Thành công, Thành công, Đại thành công.
Hồ Chí
Minh quan tâm sâu sắc đến lợi ích
thiết thực của giáo dân cả phần đời và phần đạo. Theo Người,
nước độc lập mà dân không được ấm no hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa
lý gì. Đồng bào các tôn giáo theo cách mạng mà Đảng, Nhà nước không quan tâm
đến lợi ích thiết thân của đồng bào để “phần xác ấm no, phần hồn thong dong”
thì không thể đoàn kết được. “Nếu giáo dục tốt thì giáo dân có thể đấu tranh...
sống theo Đảng, chết theo Chúa.... Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần
chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì không sợ gì cả...”. Mọi công dân Việt
Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Đồng bào tôn giáo trước tiên là
công dân Việt Nam nên tất yếu cần được đối xử bình đẳng như mọi công dân khác,
đồng thời họ là tín đồ của một tôn giáo nên quyền tự do tôn giáo được tôn
trọng, bảo đảm. Tôn trọng tự do tín ngưỡng phải đi đôi với không ngừng tạo điều
kiện để đồng bào các tôn giáo tiến bộ về mọi mặt.
Chủ tịch
Hồ Chí Minh khuyên cán bộ một mặt phải tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng,
mặt khác phải kiên trì giáo dục quần chúng xóa bỏ “mê tín nhảm” và các hủ tục.
Người nhắc nhở cán bộ không thành kiến, hẹp hòi, không xúc phạm tín ngưỡng,
không mắc bệnh dùng lý luận không đúng lúc, hay đao to búa lớn “nào khách quan,
chủ quan”, “nào tích cực, tiêu cực”, “nào khoa học hóa”, “gì gì hóa” mà “tốt
nhất là miệng nói, tay làm làm gương cho người khác bắt chước”. Người đã soạn
ra 12 điều răn với 6 điều không nên và 6 điều nên làm, trong đó có: “không nên
xúc phạm tín ngưỡng, phong tục của dân…”, “Nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi
nơi, trước là gây cảm tình, và sau là để dần dần giải thích cho dân bớt mê
tín”. Người cũng nêu ra 8 điều mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, trong đó điều thứ 4 là: “Bảo vệ đền chùa nhà thờ, trường học, nhà thương
và các cơ quan văn hóa xã hội khác… Chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn
trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào”.
Đồng thời, Người khẳng định,
lợi dụng tôn giáo để chống lại cách mạng luôn là thủ đoạn của các thế lực thù
địch nhằm kích động mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết lương-giáo, phá hoại đoàn kết
dân tộc. Chúng tuyên truyền: “Cộng sản là vô thần sẽ tiêu diệt tôn giáo”, “thà
mất nước còn hơn mất Chúa”… Và thực tế, một bộ phận giáo dân đã mắc mưu, tin
theo luận điệu thâm độc đó. Người kêu gọi: “đồng bào cảnh giác và chớ mắc mưu
những kẻ tuyên truyền lừa bịp”, “Bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng cương quyết
trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước”./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét