Vua Càn Long nhà Thanh vốn tự cho mình là đế vương tài ba nhất, tự huyễn hoặc bản thân mình về cái gọi là "thập đại võ công", cổ kim không ai sánh bằng. Càn Long tự hào về việc mang quân chinh phạt các quốc gia nhỏ bé ở phía bắc, phía tây. Gặp lúc Lê Chiêu Thống sang cầu cứu, Càn Long đế sai Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân sang xâm lược nước ta. Người Mãn Thanh luôn tự đại và kiêu ngạo. Lúc quân Thanh vừa sang, Ngô Thì Nhậm đã cho quân đội lùi vào phòng thủ ở tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Đây là diệu kế của Ngô Thì Nhậm. Một mặt làm cho giặc chủ quan, khinh thường chúng ta, mặt khác cấp báo về Phú Xuân và đợi hợp binh cùng quân Tây Sơn từ Nam ra. Theo Ngô Thì Nhậm thì hãy cứ để cho quân Thanh ngủ nhờ một đêm, sau đó quân Tây Sơn sẽ một trận mà lấy lại núi sông.
Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024
235 NĂM CHIẾN THẮNG VANG DỘI NGỌC HỒI - ĐỐNG ĐA (1789 - 2024) Ý CHÍ TINH THẦN NGHĨA QUÂN TÂY SƠN BẤT DIỆT !
Nghe tin cấp báo, từ Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lập đàn tế lễ lên ngôi vua, lấy niên hiệu Quang Trung để có thể hiệu triệu muôn dân cùng đồng lòng tiến quân ra Bắc diệt giặc ngoại xâm. Trong chiếu lên ngôi vua có đoạn:
“Nước Việt ta từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần gầy dựng cho đến ngày nay, thánh minh dấy lên không phải là một họ, nhưng thịnh suy, dài ngắn, vận mệnh do trời, không phải sức người tạo ra được. Trước đây Nhà Lê mất triều chính, họ Trịnh và cựu Nguyễn chia bờ cõi. Hơn hai trăm năm nay, kỷ cương rối loạn, vua Lê chỉ là hư vị, cường thần tự ý vun trồng, giềng mối của trời đất một phen rơi xuống không nâng lên được, chưa có lúc nào hư hỏng quá như lúc này vậy. Vả lại mấy năm gần dây, Nam Bắc gây việc binh đao, người dân rơi vào chốn bùn than. Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê, chỉ trông mong vào trẫm"...
Chiêu mộ binh sĩ, tích trữ quân lương, cắt đặt các đạo binh, vua Quang Trung xuống lịnh tiến quân thần tốc ra Bắc. Đêm 30 Tết từ Tam Điệp, sau khi đã cho quân lính ăn Tết sớm, vua Quang Trung truyền lệnh tấn công và hẹn cùng ba quân sẽ ca khúc khải hoàn tại Thăng Long thành vào mồng Bảy Tết. Hịch của vua Quang Trung vang vọng núi sông "Đánh cho chúng chích luân bất phản, đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn, đánh cho để sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ".
Đại binh Tây Sơn chỉ có quân số khoảng 10 vạn quân, ít hơn quân Thanh và quân của Lê Chiêu Thống khoảng 3 lần nhưng lần lượt giành những chiến thắng liệt oanh, từ trận diệt đồn Gián Khẩu, Hà Hồi, Ngọc Hồi cho đến Khương Thượng, tức chiến thắng Đống Đa, buộc tướng Sầm Nghi Đống của quân Thanh phải treo cổ tự vẫn vì thất thủ. Đến Mồng Năm Tết, vua Quang Trung đã vào đến thành Thăng Long, sớm hơn dự định cả hai ngày. Tôn Sĩ Nghị cùng tàn quân phải cuống cuồng, hỗn loạn, cởi bỏ cả ấn tín, tháo chạy về phương Bắc.
Vua quan nhà Lê cũng tìm đường bôn tẩu, chạy theo về Tàu. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ghi thêm vào trang sử Việt về ý chí chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi của những bậc tiền nhân. Voi và hoả khí của Tây Sơn làm cho ngựa chiến và binh lính nhà Thanh khiếp vía, kinh hồn. Nhà thơ nổi tiếng đương thời là Ngô Ngọc Du đã khắc họa khung cảnh tưng bừng, náo nhiệt của Nhân dân kinh thành Thăng Long khi quân Tây Sơn toàn thắng:
Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai thích cánh cùng nhau nói:
Cố đô vẫn thuộc núi sông ta.
Vua Quang Trung không may mất sớm khi sự nghiệp thống nhất sơn hà còn dở dang. Vua Cảnh Thịnh kế vị còn nhỏ tuổi, lại chỉ tin dùng cậu ruột là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Những kẻ sĩ như Ngô Thì Nhậm, vị quân sư đại tài mà sinh thời Vua Quang Trung rất trọng dụng...lại không được Cảnh Thịnh tin dùng. Các tướng lĩnh của nhà Tây Sơn bất hoà quay ra đánh giết hoặc không ứng cứu lẫn nhau khi lâm trận. Đó là nguồn cơn dẫn đến việc nhà Tây Sơn mất nước vào tay Nguyễn Ánh, kẻ cỏng rắn cắn gà nhà
Vua Quang Trung là nhà chính trị, quân sự đại tài, cổ kim xưa nay hiếm; anh hùng dân tộc ta, người đã đánh cho quân Thanh phải "chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn; đánh cho sử tri Nam quốc Anh hùng chi hữu chủ" bằng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm Kỷ Dậu 1789. Đánh cho quân Xiêm La biết thế nào là uy vũ của cọp Tây Sơn, tiêu diệt chúng ở Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785.
Kỷ niệm 235 năm ngày vua Quang Trung đại phá quân Thanh, nhân dân ta tưởng nhớ đến Vua Quang Trung với lòng thành kính, tri ân, cảm phục và xen lẫn tiếc nuối về một tài năng tuyệt thế, tiếc vì mặt trời không may phải "lặn giữa lúc sáng chói nhất". Nếu ông sống thêm khoảng 10 năm thì có thể lịch sử nước ta bước sang một trang khải hoàn. Xin mượn mấy câu thơ của tướng Võ Văn Dũng, một trong những Tây Sơn thất hùng, viếng vua Quang Trung năm nào để tưởng nhớ đến người Anh hùng của dân tộc ta và cũng để kết thúc bài viết:
"Năm năm dấy nghiệp tự thân nông
Thời trước thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hùng Đường, Tống hết khoe hùng".
St
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét