Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa: Trang sử vẻ vang của dân tộc

 Mùa Xuân đại thắng quân xâm lược Mãn Thanh năm 1789, nhiều sách vở cũng viết tên là: “Xuân lửa Đống Đa”. “Đống Đa”-từ chỗ là tên của một trong 8 khu phố nội thành thủ đô Hà Nội năm 1959, tên của một trong 4 khu của nội thành Hà Nội năm 1974, cuối cùng đã thành tên của một trong 4 quận nội thành Hà Nội từ năm 1981. Tất cả những điều này, nói lên rất rõ tầm quan trọng của trận đánh có tên là: Đống Đa.

Trong thực tế lịch sử và trên thực địa, Đống Đa-trước hết là tên của một “xứ”, có nhiều gò đống, vốn là những doi đất của dòng sông Tô Lịch ngày trước rộng lớn mà chảy qua vùng này và tại đây nó cắt ngang con đường cổ “Thượng đạo”, còn gọi là đường “Lai Kinh”, mọc nhiều cây đa tự nhiên, ở mạn tây nam, giáp kinh thành Thăng Long xưa. Ba chữ “Đống Đa xứ” vẫn còn được viết rõ trên tấm bản đồ Hà Nội vẽ vùng này vào năm 1873.
Nhưng lại có một trường thi võ của triều đình vua Lê chúa Trịnh, cũng đã được đặt ở vùng này, rồi lại dựng cả cung điện để vua chúa ngự đến xem thi ở đây. Vì thế, di tích của tòa cung điện này (nay ở nền giữa của Trường Đại học Thủy lợi) cũng được gọi là: “Cung Đống Đa”.
Một quả núi đất (“thổ sơn”-là tên gọi từ tấm bia dựng năm 1621 của chùa Càn An, làng Nam Đồng xưa), hiện đang nhô cao và là thành phần chính của “Công viên văn hóa Đống Đa”, cũng đang có tên thông dụng là: “Gò Đống Đa”. “Gò Đống Đa” lại cũng còn là tên gọi nôm na của dân “trại Khương Thượng” ngày xưa, chỉ quả gò Loa Sơn (Núi Ốc-còn để lại dấu tích ở góc đông nam Trường Đại học Công đoàn bây giờ) nhưng hồi thế kỷ 18, là thuộc đất làng.
Nhiều “Đống Đa” thế, nhưng chỉ có Đống Đa-Loa Sơn, tức: Quả gò còn để dấu tích lại ở góc đông nam Trường Đại học Công đoàn bây giờ mới là nơi mà viên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống, phụ trách cánh quân Vân Nam của nhà Thanh xâm lược, chọn làm nơi đóng sở chỉ huy, vào cuối năm Mậu Thân (1788), khi 29 vạn đại quân Mãn Thanh tràn vào chiếm đóng kinh thành Thăng Long.
Quả gò-có tên chính thức là Loa Sơn, bấy giờ thuộc đất làng (trại) Khương Thượng-rộng và cao nhất trong số các gò đống không kể ngọn “thổ sơn” (núi đất) tự nhiên, hiện đang ở trong Công viên văn hóa Đống Đa-xưa rải rác trong “xứ Đống Đa”. Nó nằm án ngữ ngay cạnh con đường “Thượng đạo” (đường "Lai Kinh”), đoạn ở giữa sông Tô Lịch và cửa ô Chợ Dừa (ô Cầu Dừa, tức: Ô Thịnh Quang (là tên gọi về thời Lê), ô Trường Quảng (là tên gọi về thời Lý)-cửa ngõ ra vào kinh thành Thăng Long trên mạn tây nam).
Sầm Nghi Đống đóng sở chỉ huy ở đây-cùng với đám thân binh tinh nhuệ và trung thành-để chỉ huy các doanh trại dã chiến của quân Thanh rải quanh gò, cùng với hai đồn canh nữa, ở Yên Quyết (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy bây giờ) và ở Nam Đồng (phường Nam Đồng, quận Đống Đa ngày nay) là theo lệnh của chủ tướng đại quân nhà Thanh Tôn Sĩ Nghị, để bảo vệ cửa ô Chợ Dừa, đề phòng nghĩa quân Tây Sơn dùng con đường “Thượng đạo” tấn công kinh thành Thăng Long từ mạn tây nam.
"Đề phòng” nhưng thật ra là “phòng hờ”, vì bấy giờ, mọi người-kể cả Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống đều biết rằng, con đường “Thượng đạo”-có nhiều đoạn trùng với hệ thống Đường Hồ Chí Minh ở thế kỷ 20-chính là tuyến đường xuyên Việt thông dụng từ thời Lý-Trần, nhưng đến thời Hậu Lê thì đã bị sạt lở, "bế tắc không đi được nữa”!
Nhưng thiên tài quân sự-hoàng soái Quang Trung lại quyết định: Vẫn dùng con đường này! Trong đội hình hành tiến-chiến đấu gồm 5 đạo quân tham dự Chiến dịch giải phóng Thăng Long, xuất phát từ căn cứ Tam Điệp-Biện Sơn đêm 30 Tết năm Kỷ Dậu 1789, nếu coi như giống 5 ngón của một bàn tay phải xòe thẳng về phía trước, thì “ngón tay cái” là đạo kỳ binh do đô đốc Long chỉ huy, đi vòng xa nhất trên hướng tây, được giao nhiệm vụ: Dùng con đường “Thượng đạo” này để tới Thăng Long.
Đã liệu trước là đường vừa dài, vừa cần khai thông sự “bế tắc” do sạt lở, nên hoàng soái Quang Trung trực tiếp chỉ huy “ngón tay giữa” là đạo trung quân, hành tiến chiến đấu thần tốc và thuận lợi theo trục đường “Cái Quan” (tức Quốc lộ 1 ngày nay)-đã quyết định dừng lại một ngày, trước đại đồn Ngọc Hồi của đại quân nhà Thanh, là căn cứ chủ chốt bảo vệ đại bản doanh của chủ tướng quân xâm lược Tôn Sĩ Nghị đóng ở Thăng Long, và từ hướng nam-hướng chiến trường và chiến đấu chính yếu.
Đó là ngày mồng 4 Tết. Ngày dừng quân và dừng đánh của đạo chính binh-“ngón tay giữa” này, vừa thu hút sự chú ý của chỉ huy giặc, vừa khiến quân địch căng thẳng và mệt mỏi ở hướng trận này, nhưng chủ yếu là để chờ sự phối hợp của đạo kỳ binh-“ngón tay cái” của đô đốc Long, đồng thời tạo thế bất ngờ tiến công cho đạo quân này.
Vì thế, vào lúc rạng sáng-canh Năm ngày mồng 5 Tết, khi Quang Trung ra lệnh mở màn và trực tiếp chỉ huy trận đánh vỗ mặt dữ dội vào đại đồn Ngọc Hồi, thì trước đó một canh giờ, vào lúc canh Tư nửa đêm về sáng, đạo quân của đô đốc Long sau khi được thêm một ngày để đi nốt con đường “Thượng đạo” (đường “Lai Kinh”) dọc Trường Sơn ra Bắc, nối xuống đồng bằng-đã từ đấy, ùa ra, đánh phá long trời lở đất đạo quân chốt giữ “xứ Đống Đa” và “đồn Đống Đa” (Loa Sơn) của thái thú Sầm Nghi Đống.
Xuất kỳ bất ý, thiện chiến và mãnh liệt, đòn đánh Đống Đa của đạo quân Tây Sơn do đô đốc Long chỉ huy còn được sự hỗ trợ đắc lực và hiệu quả của dân chúng “xứ Đống Đa”, bằng một trận “hỏa long” (rồng lửa) cực kỳ độc đáo. Nhà thơ Ngô Ngọc Du lúc bấy giờ, trong lời tiểu dẫn bài thơ “Long Thành quang phục kỷ thực” (ghi lại sự thực về trận khôi phục vẻ vang kinh thành Thăng Long) của mình, đã cung cấp tại chỗ và nóng hổi những tư liệu gốc, sinh động và chính xác về trận “hỏa long” của nhân dân nơi đây (dịch):
"Quân Tây Sơn tiến công thành Thăng Long, dân chúng 9 xã ở ngoài thành sôi nổi dùng rơm rạ bện thành hình rồng, tẩm dầu đốt cháy, thành trận rồng lửa”!
Kết quả là: Chỉ trong chốc lát, 5000 quân Thanh đã chết và bị thương. Tướng Sầm Nghi Đống, cố thủ không xong trong sở chỉ huy, đã phải thắt cổ tự tử. Đội thân binh tinh nhuệ và trung thành của họ Sầm cũng tự sát theo chủ. Đến lúc rạng sáng, sau khi tiêu diệt khu chỉ huy sở giặc ở Đống Đa-Loa Sơn, quân Tây Sơn thừa thắng đánh tan luôn cả hai đồn giặc ở Yên Quyết và Nam Đồng. Liền đó, bỏ lại trên “xứ Đống Đa” hàng vạn xác giặc ngổn ngang, đô đốc Long dẫn đầu đạo kỳ binh, tiến nhanh qua cửa ô Chợ Dừa, xông thẳng đến đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị, đóng ở cung Tây Long (khu vực Nhà hát Lớn bây giờ).
Đòn hiểm thọc dao vào sau lưng địch, quá lợi hại! Tôn Sĩ Nghị đang mải theo dõi và điều bát quân sĩ ở Mặt trận Ngọc Hồi-hướng nam, phía trước-bất ngờ nghe cấp báo: Quân Tây Sơn đang ầm ầm tiến tới sát sườn! Chỉ kịp đập kiếm chỉ huy xuống bàn, quát câu: “Địch từ trời rơi xuống, từ đất chui lên sao?”, chủ tướng họ Tôn vội nhảy ngay lên con ngựa chưa kịp đóng yên cương, chạy ra chỗ cầu phao bắc qua sông Hồng, chạy sang Gia Lâm, mải miết chạy tiếp một mạch lên biên giới; vừa suýt mất mạng, phải quẳng cả ấn tín để thoát thân ở Phượng Nhãn (Bắc Giang) vì đòn đánh chặn của đạo quân vu hồi-"ngón tay út” trong đội hình 5 ngón của bàn tay xòe Tây Sơn, do đô đốc Lộc chỉ huy, đi vòng mạn đông, tới đón lõng ở đấy; vừa mặc xác đám đại quân dưới trướng, cuống cuồng chạy theo chủ tướng qua cầu phao, đông đến nỗi sập cả cầu, rơi xuống nước, chết nghẽn cả dòng sông Hồng.
Những kẻ xâm lược trận vong ấy, rồi sẽ được hoàng soái Quang Trung-sau khi phá trận Ngọc Hồi, kết thúc Chiến dịch giải phóng Thăng Long-sai văn thần Vũ Huy Tân làm bài “Phụng soạn tôn tế Bắc lai trận vong chư tướng văn” (Vâng lời vua soạn văn tế tướng sĩ phương Bắc sang, bị chết trận) cầu siêu thoát ở đàn cúng tế bên bờ sông. Còn những thây giặc chết ở “xứ Đống Đa” thì cũng được gom lại, thành 12 đống, đắp đất, chôn. Những đống thây gò xác ấy, về sau, cùng với những gò đống tự nhiên trong vùng, rồi cùng theo với thời gian và việc mở mang chợ búa, cầu cống, đường sá, phố phường…, mà hóa thành bình địa. Cũng như chính quả gò Đống Đa-Loa Sơn, từng mấy chục ngày đóng sở chỉ huy của tướng Sầm Nghi Đống!
Duy nhất còn lại, trên bãi chiến trường “xứ Đống Đa” xưa, quả núi đất tự nhiên, bây giờ cũng đang được mang tên là “gò Đống Đa” mà thành bộ phận của “Công viên văn hóa Đống Đa” hiện đại!
Từng bị hiểu nhầm là quả gò thứ 13, chồng chất hài cốt giặc, thu gom về từ cuộc đào đất đắp đường mở chợ qua đây vào năm 1851 của Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai! Nhưng sự thực là: Làm gì có nhiều hài cốt đến thế, để có thể đắp nên được một quả gò rộng tới 6000m2 và cao tới 12m như vậy! Vả chăng-qua lời văn bia chùa Càn An-từ năm 1621, tức: Ít nhất cũng là trước trận Đống Đa 178 năm, người ta đã thấy có ngọn “thổ sơn” (núi đất tự nhiên) này, ở chỗ ấy rồi!
Quả núi “gò Đống Đa” này, chỉ có một số chỗ quanh chân núi, làm nơi chôn cài vào một số tiểu sành chứa xương cốt thu gom về từ cuộc mở mang năm 1851 của Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai-như thỉnh thoảng, bây giờ, vẫn thấy lộ ra mà thôi.
Nhưng dù sao thì cao điểm này, vẫn duy nhất còn sót lại, để sừng sững và lừng lẫy mà làm và thành một đài thiêng, kỷ niệm võ công oanh liệt của trận Đống Đa lịch sử, rạng sáng ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789./.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét